Mua ô tô kiểu “bia kèm lạc”: Người mua chấp nhận “sống chung” với dịch?
Toyota Raize ra mắt và câu chuyện bán ô tô theo cách "bia kèm lạc" lại nóng lên trong những ngày cuối năm. Năm ngoái, Toyota từng tuyên bố sẽ "xử" đại lý bán mẫu xe Toyota Corolla Cross "kèm lạc", song hầu như không có đại lý nào "bị xử"...
Toyota Raize được xem là mẫu SUV đô thị đầu tiên trong dải sản phẩm của Toyota tại thị trường Việt Nam. Ngay từ khi chưa ra mắt, Toyota Raize đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngày 4/11 vừa qua, mẫu xe chính thức trình làng thị trường Việt.
Với mức giá từ 527 triệu đồng và chính sách hỗ trợ tài chính của Toyota, Raize nhận được nhiều đánh giá tích cực. Toyota Raize cũng đạt doanh số tốt tại các thị trường châu Á như Indonesia trước khi ở Việt Nam. Bản thân mẫu xe bán tại Việt Nam được nhập khẩu từ Indonesia. Chính vì thế, mẫu xe thu hút sự chú ý của thị trường. Từ khi chưa chính thức được giới thiệu, các đại lý đã mở nhận đặt cọc khách hàng muốn mua Toyota Raize. Đáng chú ý, mẫu xe được cho là đang bán ra theo hình thức “bia kèm lạc”. Nghĩa là người mua xe muốn nhận xe sớm, phải trả thêm cho đại lý khoảng 30 triệu đồng.
Câu chuyên mua bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” đã xảy ra trên thị trường Việt Nam từ rất nhiều năm trước. Lúc đó, khách hàng mua xe được thông báo phải chờ “một thời gian dài” mới có xe để giao hàng. Tuy nhiên, chỉ cần chấp nhận mua thêm một số phụ kiện, là có thể nhận xe “trong vài ngày, vài tuần”. Giá phụ kiện mua kèm với xe ô tô lại đắt gần gấp đôi so với giá trị thực tế.
Sau đó, thị trường ô tô có phần dồi dào sản phẩm, người mua có nhiều lựa chọn hơn, các đại lý và hãng xe phải triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi nhằm kích cầu khách hàng. Tình trạng bạn ô tô “bia kèm lạc” tưởng như đã biến mất.
Song thực tế, điều này vẫn diễn ra với những mẫu xe “hot”, khan hàng. Không nói đâu xa, ngay dịp năm ngoái, mẫu xe Toyota Corolla Cross cũng đã được bán ra theo cách “bia kèm lạc”. Nhiều người cho biết nhân viên bán hàng ép khách mua xe Toyota Corolla Cross phải mua kèm gói phụ kiện như phim cách nhiệt, lót sàn, hay phủ ceramic, phủ gầm hoặc camera hành trình. Đặc biệt, theo phản ánh của một số người, giá gói phụ kiện khi mua kèm xe luôn cao hơn nếu mua riêng phụ kiện đó ở bên ngoài, không những thế, chất lượng phụ kiện không được tốt.
Năm ngoái, phiên bản hybrid của mẫu xe Corolla Cross 1.8HV đang được bán với mức giá 910 triệu đồng, và khách hàng sẽ phải mua thêm gói phụ kiện trị giá khoảng 50 triệu đồng, nếu muốn được nhận xe sớm.
Lúc đó, Toyota đã ra văn bản khẳng định “đây không phải là chủ trương của hãng” và chính sách của Toyota luôn nhất quán là “khách hàng đến trước được phục vụ trước”. Toyota yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. “Nếu xảy ra hiện tượng trên, khách hàng hãy phản ánh cho Toyota Việt Nam vào đường dây nóng theo số 18001524. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý”, thông báo của Toyota nêu rõ.
Tuy nhiên, chưa thấy trường hợp đại lý nào bị “xử lý” vì cung cách bán hàng đó. Trong năm nay, Toyota Raize cũng đang lặp lại hiện tượng bán hàng này và Toyota cũng đưa ra tuyên bố “sẽ xử lý đại lý”.
Dù vậy, hiện tượng bán hàng “bia kèm lạc” được cho là sẽ tiếp tục diễn ra và cũng sẽ chẳng có đại lý nào bị xử lý. Điều này một phần do tâm lý nôn nóng của khách hàng, muốn lấy xe sớm, và chấp nhận “chi thêm”. Thậm chí, nhiều người còn nói rằng “kèm lạc cũng được” khi mua mẫu xe vừa giá tiền và phù hợp với nhu cầu, lại sớm có xe để sử dụng, đặc biệt vào thời điểm gần tết Nguyên đán.
Chuyện bán hàng “bia kèm lạc”, hay bán ra với mức giá cao hơn so với giá niêm yết của hãng xe, không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Kêu thì vẫn kêu nhưng mua thì vẫn mua, bởi hầu như không còn giải pháp nào khác. Điều này rõ ràng nhất khi mua hầu hết các dòng xe máy của Honda. Các mẫu xe máy Honda như SH, Vision, AirBlade… đều bị bán ra với mức giá chênh từ vài triệu đến chục triệu đồng so với giá niêm yết, đặc biệt “nổi tiếng” là mẫu xe SH của Honda.
Về câu chuyện đại lý bán xe cao hơn giá niêm yết của hãng, trao đổi với giới truyền thông, Honda Việt Nam từng tuyên bố “không thể can thiệp vào giá bán của các HEAD”, mặc dù cảm thấy “rất có lỗi với khách hàng”.
Theo giải thích của đại diện Honda, giao dịch kinh doanh giữa hãng xe và các HEAD như một giao dịch “mua đứt bán đoạn”, và Honda không thể can thiệp cũng như đưa ra chỉ thị với đại lý phải bán giá như thế nào, mà chỉ có thể đưa ra giá đề xuất bởi Honda và HEAD là hai pháp nhân độc lập. Điều hãng xe có thể làm chỉ là nỗ lực đảm bảo cán cân cung-cầu của thị trường.