Năm mũi giáp công kiến tạo mô hình tăng trưởng mới
Xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, lao động, vốn, khoa học và công nghệ, cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người… để tạo ra tăng trưởng...
Cuốn sách về đổi mới mô hình tăng trưởng đang được hoàn tất và dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 12/2021 với sự hỗ trợ xuất bản của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia. Sách này do nhóm chuyên gia: TS. Đặng Kim Sơn, GS. Trần Văn Thọ, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, PGS.TS. Phạm Thế Anh, TS. Đậu Anh Tuấn, ThS. Phó Thị Kim Chi thực hiện.
Đề cập về nội dung cuốn sách này, TS. Đặng Kim Sơn cho biết, phân tích mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy: năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 40% vào GDP; trong khi vốn đóng góp 53% và yếu tố lao động chỉ đóng góp 7% vào GDP.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS. Đặng Kim Sơn chỉ ra những điểm yếu trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Thứ nhất, kém hiệu quả của các nguồn lực. Hiện năng suất lao động tại Việt Nam chỉ bằng 62% so với năng suất lao động tại các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy lực lượng lao động nhiều, nhưng chúng ta chưa toàn dụng hết năng lực, gây lãng phí rất lớn nguồn lao động.
Thứ hai, kinh tế phân bố không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu tập trung vào hai đô thị chính là Hà Nội và TP.HCM. “Hai thành phố này ôm đồm quá nhiều chức năng: chính trị, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, đào tạo, logistics, thương mại… Thậm chí, Hà Nội ôm phần sản xuất nông nghiệp khá lớn. Điều này khiến cả hai thành phố quá tải về nhà cửa, giao thông… trong khi vẫn chịu trách nhiệm lớn về đóng góp ngân sách…”, TS. Đặng Kim Sơn nêu thực tế.
Thứ ba, mô hình kinh tế hiện nay chậm phát huy nội lực đất nước. Kinh tế tư nhân lại đang ở vào thế yếu so với kinh tế của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân đã rất nỗ lực, nhưng do quy mô nhỏ, lẻ, xuất phát điểm thấp nên phát triển rất chật vật.
Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng, xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, lao động, vốn, khoa học và công nghệ…, cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người… để tạo ra tăng trưởng.
“Chúng ta phải quyết tâm đổi mới thể chế kinh tế, từ nhà nước pháp quyền đến bố trí lại quan hệ sản xuất, hình thành hệ sinh thái của các thành phần kinh tế Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Nhằm tạo sự thay đổi đột phá cho phát triển kinh tế, nhóm chuyên gia khuyến nghị “năm mũi giáp công”.
Mũi thứ nhất: khoa học và công nghệ. Cần xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để liên kết 3 chân kiềng: các trường đại học và viện nghiên cứu là nơi tạo ra khoa học và công nghệ; gắn với doanh nghiệp là nơi sử dụng khoa học và công nghệ bằng hệ thống dịch vụ chuyển giao công nghệ và quản lý nhà nước hiệu quả. Đổi mới đào tạo để phát triển con người.
Mũi thứ hai: đổi mới cơ chế phân bổ tài nguyên, từ xin cho, hành chính sang cơ chế thị trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện cơ bản của thị trường (sử hữu, đăng ký, cạnh tranh, giá cả,…); đồng thời, tháo gỡ các nút thắt căn bản về hạ tầng giao thông, vận tải, logistic.
Mũi thứ ba: không gian kinh tế. Cần cơ cấu các ngành kinh tế đa dạng theo lợi thế vùng. Có vùng phát triển nông nghiệp, vùng phát triển kinh tế biển, vùng tập trung dịch vụ, vùng công nghiệp. Các ngành khác phải phục vụ ngành có lợi thế chính ở từng vùng, tạo giá trị gia tăng.
Mũi thứ tư: cơ cấu lại đô thị hóa. Hai đô thị chính là Hà Nội và TP.HCM phải nhanh chóng xây dựng các đô thị vệ tinh, tránh trở thành “siêu đô thị”; đồng thời, phát triển các đô thị trung tâm vùng và đô thị các cấp ở nông thôn. Phát triển nông thôn phải gắn với đô thị hóa.
Mũi thứ năm: cơ cấu lại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Đã đến lúc phải “chăm bẵm” kinh tế trong nước. Kinh tế hộ nhờ hợp tác xã để phát triển, doanh nghiệp nhỏ gắn với doanh nghiệp lớn. Tổ chức kinh tế tư nhân là chủ lực tăng trưởng.
Phân vai lại các thành phần kinh tế
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế
Việt Nam tự hào là quốc gia thu hút FDI lớn, khối này hiện chiếm tới 72% giá trị xuất khẩu của cả nước, nhưng chưa đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế đất nước. Có tới 74% nguyên liệu đầu vào sản xuất của khối FDI là nhập khẩu, nguồn đầu vào trong nước chỉ chiếm 26% thì trong đó 10% là mua từ các doanh nghiệp FDI khác. Vì vậy, các doanh nghiệp tư nhân trong nước ít có cơ hội trở thành đối tác sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI. FDI cũng ít giúp nâng cao công nghệ, bởi 85% đầu tư vào Việt Nam là dùng công nghệ thấp, chỉ có 15% ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Khối doanh nghiệp nhà nước sử dụng lớn nhất nguồn lực vốn và tài nguyên của quốc gia, với nhiều ưu đãi về chính sách, nhưng hoạt động vẫn kém hiệu quả. Khối doanh nghiệp tư nhân thì bị chèn ép bởi doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp tư nhân không được bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận các dự án xây dựng hạ tầng. Gần đây, nhiều dự án PPP đã chuyển sang cho đầu tư công, vì đưa ra quy định quá cao đối với doanh nghiệp tư nhân.
Muốn tạo ra mô hình tăng trưởng cao, phải phân vai lại các thành phần kinh tế. Phải thay đổi khối FDI làm sao để tăng giá trị gia tăng của Việt Nam lên. Khối kinh tế tư nhân cần được “chăm bẵm” để trở thành chủ lực lớn nhất của nền kinh tế. Phải giải tỏa các nguồn lực đang bị kìm hãm, chuyển cho các khu vực hiệu quả hơn để sử dụng.
Khắc phục hạn chế để trở thành nước có thu nhập cao
TS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasade, Tokyo Nhật Bản
Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008-2009. Những năm qua, Việt Nam đạt được tăng trưởng cao. Hiện nay, nếu khống chế được dịch Covid-19 và kinh tế trở lại quỹ đạo 6-7% thì Việt Nam có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 2025-2026. Đến năm 2045, Việt Nam có thể từ mức trung bình cao, phát triển đến mức thu nhập cao của một nước tiên tiến hay không? Thời gian 20 năm không ngắn. Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ mất trên dưới 10 năm cho giai đoạn này. Nhưng các nước tiên tiến ở Đông Á khi còn ở mức trung bình đã xây dựng được một thể chế kinh tế làm tiền đề cho giai đoạn tiến lên mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các vấn đề về phát triển thị trường vốn, thị trường đất đai, chấn hưng khoa học và công nghệ, hiệu suất hóa bộ máy hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp, xác lập quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp… hiện còn đang hạn chế. Trong 4-5 năm tới, Việt Nam cần hoàn thiện những điều kiện đó mới có thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.