"Nếu buộc phải tăng thu thì hãy đánh vào thuế tài sản của người giàu"
Nếu bất đắc dĩ phải tăng thu thuế thì cần tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra, tránh tập trung
Phát biểu tại hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 28/6, các chuyên gia kinh tế đã sử dụng các sơ đồ, phân tích định lượng để đo lường hai phương án tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đang được tái khởi động trở lại.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) và một số nhà kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dù tăng thuế VAT ở mức nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến người nghèo.
Tăng thuế VAT sẽ tăng thêm ít nhất 200.000 người nghèo?
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay, theo phương án tăng thuế VAT thêm lên 1,2% ở mỗi hàng hoá, như thuế 5% sẽ tăng lên hơn 6%, 10% sẽ tăng lên 12% thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240 nghìn người nghèo tăng lên.
Phương án 2 là tăng thuế VAT ở một số mặt hàng từ 5% lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn, chủ yếu ở nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Cường, hiện chi tiêu bình quân hiện nay của người dân vào khoảng 34,5 triệu đồng/người/năm, trung bình 1 tháng là gần 3 triệu đồng. Nếu áp dụng phương án 1 mức VAT tăng 1,2% thì chi tiêu thực tế hộ gia đình giảm đi tương ứng 0,89%, giá cả tăng lên. Trường hợp này khiến người dân phải giảm chi tiêu vì phải tiết kiệm để bù đắp hoàn toàn chi phí giá tăng lên.
Nếu áp dụng tăng VAT những hàng hoá chịu thuế 5% lên 10%, các hộ chi tiêu nhiều về lương thực, thực phẩm thiết yếu ở mức 5% sẽ chịu ảnh hưởng, nó có thể chiếm 23% tổng chi tiêu, mức ảnh hưởng thấp hơn.
TS Cường khẳng định: Tăng VAT lên tất nhiên ảnh hưởng là các cá nhân, và phương án tăng 1,2% làm chi tiêu giảm mạnh hơn là phương án điều chỉnh thuế VAT cho nhóm mặt hàng từ 5% lên 10%. Tác động sẽ rõ rệt đối với cá hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Về phân loại, nhóm yếu thế khi VAT bị tăng là trẻ em, người già, lao động nữ, người làm việc có kỹ năng thấp... sẽ ảnh hưởng nhiều hơn.
"Tỷ lệ nghèo tăng lên và nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là hộ cận nghèo. Còn các hộ giàu thì suy giảm chi tiêu chưa đủ để họ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có số liệu cụ thể, số lượng người nghèo tăng lên theo phương án 1 lên 240.000 người, còn phương án tăng 2 là 202.000 người", ông Cường nêu ví dụ.
Cần tính tới nguồn thu thuế tài sản người giàu
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nói: Thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu đã giảm mạnh, cấu trúc nguồn thu đã thay đổi. Về chi tiêu, Nhà nước tuy cố gắng thu gọn bộ máy nhưng ngày càng phình to, chi thường xuyên vẫn tăng, chi đầu tư cho hạ tầng, giáo dục, y tế lại giảm sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế giảm.
Chính phủ chịu sức ép nguồn thu thì luôn phải tìm cách tăng đủ mọi thứ, thuế môi trường xăng dầu, thuế VAT…Nhưng thêm thuế mới là đánh thẳng vào người dân.
Việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm. Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… chịu ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT.
"Nếu không có cải cách đáng kể trong chi tiêu mà chỉ tăng thuế thì phúc lợi xã hội giảm, năng suất cũng như sản lượng tăng không đáng kể. Việc tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào thì sử dụng nguồn đó rất quan trọng, phải sử dụng để sinh lợi đầu tư hạ tầng tốt hơn. Điều này sẽ giúp tăng năng suất nền kinh tế trong dài hạn, có hiệu quả", Tiến sĩ Thành lưu ý.
Vị này cũng khuyến nghị nên thận cẩn trọng trong cải cách các loại thuế, chú trọng hơn tới các loại thuế chưa khai thác nhiều như thuế tài sản, vì tỷ trọng thuế này trong nguồn thu còn thấp, tương đối nhỏ, không gian chính sách còn rộng.
"Nếu bất đắc dĩ phải tăng thu thuế thì cần tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra tránh tập trung", Tiến sĩ Thành đề xuất.