Ngân hàng lại tạo bull-trap, VN-Index đỏ cùng thế giới
Những biến động rất sốc từ chứng khoán thế giới cuối tuần qua tưởng như đã không ảnh hưởng đến thị trường trong nước sáng nay khi le lói sắc xanh ở các chỉ số kéo dài đến gần cuối phiên. Tuy vậy áp lực bán mới xuất hiện đã khiến các cổ phiếu trụ không chống đỡ được...
Những biến động rất sốc từ chứng khoán thế giới cuối tuần qua tưởng như đã không ảnh hưởng đến thị trường trong nước sáng nay khi le lói sắc xanh ở các chỉ số kéo dài đến gần cuối phiên. Tuy vậy áp lực bán mới xuất hiện đã khiến các cổ phiếu trụ không chống đỡ được.
Thị trường chứng khoán châu Á sáng nay mới phản ứng với biến động từ Mỹ và Châu Âu phiên muộn cuối tuần trước. Chứng khoán Nhật sụp đổ tới 3,6%, Đài Loan rơi 1,64%, Hồng Kông giảm 1,2%, Hàn Quốc giảm 1%... Vì vậy VN-Index mở cửa vài phút và giảm 0,5% có thể xem là tích cực, đặc biệt khi thị trường tương lai chứng khoán Mỹ hiện vẫn đang giảm.
Nỗ lực bắt đáy ở nhiều cổ phiếu lớn, trong đó có các mã ngân hàng thậm chí còn tạo hi vọng lớn. Khoảng 10h các chỉ số đều chuyển trạng thái tăng, VN-Index tăng 0,29%, VN30-Index tăng 0,33%. Độ rộng của HoSE lúc đó không kém, với 155 mã tăng/202 mã giảm. VN30 cũng chỉ có 5 mã giảm giá, 19 mã tăng.
Khá nhiều cổ xác lập mức tăng mạnh mẽ đưa VN-Index vượt tham chiếu và chạm tới các mốc cao mới. Tiêu biểu là GAS tăng tới 3,6% so với tham chiếu, FPT tăng gần 3%, MWG tăng 1,8%, PLX tăng 4,6%, VIC tăng 1,3%.
Đặc biệt các cổ phiếu ngân hàng cũng rục rịch đảo chiều, dù không còn vai trò dẫn dắt như trước, nhưng đà tăng của các mã này vẫn có ảnh hưởng nhất định. CTG tăng cao nhất khoảng 0,6% so với tham chiếu, MBB tăng gần 1%, STB tăng 2,2%, TPB tăng 1,69%, VPB tăng 0,75%, VIB tăng 2,18%...
Tuy nhiên thị trường vẫn đang trong trạng thái thăm dò, bất kể là VN-Index đã vượt đỉnh hôm cuối tuần trước. Vẫn có nhiều nhà đầu tư không tin tưởng vào sự kiện vượt đỉnh, vì động lực chủ yếu đến từ vài cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên thứ Sáu. Mặt khác hiệu ứng mua của các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu cũng đóng vai trò quan trọng. Chứng khoán thế giới lao dốc chỉ là chất xúc tác, vì nhiều cổ phiếu thực tế đã có đỉnh và đang trong nhịp giảm ngắn hạn chứ không tăng cùng với chỉ số vượt đỉnh.
Lực bán tăng đẩy rất nhiều cổ phiếu quay đầu giảm. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng chỉ còn 171 mã tăng/221 mã giảm. VN30 chỉ còn 9 mã tăng/19 mã giảm. Rất nhiều cổ phiếu tạo bull-trap khá lớn, kể cả những mã vẫn còn đang tăng so với tham chiếu. Chẳng hạn FPT vẫn đang tăng 2,03% so với tham chiếu, nhưng vẫn bị đánh tụt khỏi đỉnh khoảng 0,9%. GAS đang tăng 0,76% nhưng thực chất bốc hơi khoảng 2,7% so với đỉnh. Xuất sắc nhất sáng nay là NVL, đang tăng 5,34% nhưng mức tụt xuống cũng hơn 1,3%....
Các cổ phiếu ngân hàng dĩ nhiên chuyển đỏ rất nhanh dưới áp lực của đợt bán mới. BID hiện đang giảm 2,6%, CTG giảm 1,37%, HDB giảm 1,46%, TCB giảm 1,37%, VCB giảm 0,74%.... Cổ phiếu chứng khoán lớn cũng giảm nhiều: SSI giảm 1,68%, SHS giảm 1,89%, HCM giảm 0,34%, VND giảm 2,52%, MBS giảm 1,69%...
Chỉ số VN30-Index đang giảm 0,2% so với tham chiếu nhưng lần này sự suy yếu của các blue-chips kéo theo diễn biến giao dịch kém đi của các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ số Midcap đang giảm 0,42% và chỉ có 28 mã tăng/40 mã giảm. Smallcap tăng 0,08% với 69 mã tăng/73 mã giảm. Nhóm này dường như kháng cự tốt nhất ảnh hưởng chung. Một số cổ phiếu có thanh khoản tốt và giá tăng mạnh là NHA, DLG, NBB, HTN, TGG, APG, DQC, HHP...
Điều bất ngờ nữa là giao dịch của khối ngoại ghi nhận bán ròng rất lớn, tới 561,3 tỷ đồng trên sàn HoSE và 22,5 tỷ đồng sàn HNX. Dường như các hoạt động tái cơ cấu vẫn diễn ra (?) vì cuối tuần trước sàn HoSE gần như kẹt thanh khoản ở đợt ATC. NVL bị bán ròng 203,8 tỷ đồng, HPG tới 161,2 tỷ, VCI, SSI, GEX, POW, VNM, KBC, VRE, DXG bị bán ròng tối thiểu 20 tỷ đồng tới trên 40 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng gần 480 tỷ đồng.
Thanh khoản hai sàn tăng nhẹ 2,4% so với sáng hôm thứ Sáu, đạt 14.460 tỷ đồng. VN30 giao dịch tăng gần 13%, đạt 6.071 tỷ đồng. Tuy vậy Top 10 thanh khoản của rổ này (và cũng là của thị trường) thì chỉ có STB, NVL và PLX là tăng giá.