Ngân hàng Nhà nước tăng phát hành tín phiếu, tỷ giá trên thị trường tự do giảm sâu
Ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước phát hành 3.850 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, tăng hơn 600 tỷ đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm mạnh 100 đồng ở cả 2 chiều trong khi ở các ngân hàng thương mại vẫn tăng cao...
Trên thị trường mở, ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 7 thành viên tham gia và 4 thành viên trúng thầu. Giá trị phát hành tín phiếu ngày 9/4 là 3.850 tỷ đồng với lãi suất 2,9%.
Ngày 9/4, có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 11.150 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm nay. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 157.149 tỷ đồng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua nhưng tỷ giá thịt trường tự do giảm tới 100 đồng mỗi chiều.
Kết phiên 9/4, giá USD tự do giao dịch mua – bán ở mức 25.300 và 25.420 VND/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại vẫn neo cao. Kết phiên 9/4, tỷ giá tại Vietcombank đi ngang so với phiên trước, giao dịch tại 24.760 VND/USD mua vào và 25.130 VND/USD bán ra.
Tại Agribank, tỷ giá tăng nhẹ 5 đồng mỗi chiều, mua vào – bán ra ở mức 24.770 VND/USD và 25.115 VND/USD.
Tại TPBank, giá USD mua vào tăng 10 đồng so với phiên hôm qua (24.750 VND/USD) nhưng giá bán ra tăng 30 đồng, giao dịch tại 25.210 VND/USD.
Một số ngân hàng như BIDV, Sacombank, tỷ giá giảm từ 10 đến 22 đồng mỗi chiều nhưng giá bán ra vẫn neo cao trong khoảng 25.115 đến 15.138 VND/USD.
Ở hầu hết các ngân hàng khác, tỷ giá đi ngang so với phiên 8/4. Giá USD bán ra neo ở mức trên 25.110 VND/USD.
Mặc dù tỷ giá biến động mạnh trong 3 tháng đầu năm 2024 nhưng so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn ổn định ở vị trí thứ 3.
Theo các chuyên gia, tỷ giá tăng mạnh ngay từ đầu năm do giá vàng và crypto tăng trong thời gian ngắn; nhu cầu nhập khẩu tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm kết năm tài chính của nhiều doanh nghiệp FDI dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng do họ chuyển lợi nhuận về nước.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác đã được đề cập nhiều lần là (1) Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ số DXY tăng cao trong các phiên gần đây; (2) tiếp tục tình trạng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng.
Giới phân tích nhấn mạnh giá USD/VND tăng gây sức ép lên lạm phát và Ngân hàng Nhà nước, gián tiếp ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát và lãi suất; gây áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng đồng USD; tác động tiêu cực đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán.