Ngành công nghiệp ô tô Việt: Làm sao ra "biển lớn" khi nhập khẩu 80% linh kiện?
Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn như ghế, săm, lốp, ắc quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn... có hàm lượng công nghệ không quá cao.
Nhập khẩu 80% linh kiện
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), gần 30 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam nhìn chung phát triển còn khá chậm cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành này vẫn còn rất ít so với Thái Lan. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, con số đó tại Việt Nam chỉ chưa đến 100; trong khi Việt Nam có chưa đến 150 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 thì Thái Lan có đến khoảng 1.700.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến xe 9 chỗ ngồi còn hạn chế. Trước đó, mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 30 - 40%, mức 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thực tế mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Toyota Việt Nam đạt mức 37% đối với dòng xe Innova (theo thống kê từ phía doanh nghiệp), Thaco đạt 15 - 18%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.
Đặc biệt, giá trị sản xuất của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, mức tăng trưởng bình quân cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của toàn ngành.
Phụ tùng linh kiện ô tô đang sản xuất tại Việt Nam hiện vẫn còn chủ yếu áp dụng công nghệ giản đơn, các phụ tùng thâm dụng lao động như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… chưa làm chủ được các các công nghệ cốt lõi như: Động cơ, hệ thống điều khiển, truyển động,..
Tháo gỡ điểm nghẽn cốt lõi
Thực tế, quy mô thị trường tại Việt Nam khá nhỏ bé, chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với Thái Lan và Indonesia, tỷ lệ khấu hao cao, sản lượng tiêu thụ thấp nên giá xe ô tô sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam cao hơn nhiều so với giá xe khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và năng lực của nhà sản xuất thấp, kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế.
Thị trường Việt bên cạnh đó còn thiếu sự gia nhập của các công ty toàn cầu vào thị trường. Phần lớn các nhà cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu không thâm nhập vào thị trường do nhu cầu quá nhỏ, các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có bảo đảm rằng các nhà sản xuất lắp ráp ô tô (OEMs) sẽ duy trì hoặc tăng sản xuất.
Do đó, để tháo gỡ các điểm nghẽn, các chuyên gia trong ngành cho rằng, ưu tiên hàng đầu là phải tăng quy mô thị trường để đảm bảo ngành ô tô sẽ được duy trì trong tương lai. Cần phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ để kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp, phát triển nguồn nhân lực, và áp dụng các chính sách ưu đãi nhất định cho việc thực hiện tốt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư hiện có.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế thu hút các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam để nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư trong sản xuất linh kiện ô tô. Để gia tăng việc sử dụng các nhà cung cấp trong nước, cần thiết phải giải quyết các vấn đề liên quan đến “cầu” như thị trường và sản lượng sản xuất nhỏ, các vấn đề về “cung” như thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực đáp ứng được các yêu cầu về Chất lượng/ Chi phí/ Giao hàng.
Trong khi đó, về phía các nhà cung ứng nên chủ động đưa mình vào danh sách các nhà cung cấp linh kiện ô tô và tham gia vào các chương trình kết nối doanh nghiệp, lập được hồ sơ doanh nghiệp hấp dẫn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên cung cấp danh mục các linh kiện ô tô cần nội địa hóa với các chi tiết cụ thể như: tên, đặc tính kỹ thuật, số lượng và trưng bày các linh kiện đó cho các nhà cung cấp tiềm năng xem xét.
Đặc biệt, các nhà cung ứng linh kiện trong nước không nên chọn phương án “đi tắt” để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên đảm bảo có thể đáp ứng các yêu cầu về sản xuất, dịch vụ như các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3, và hợp tác cùng với các nhà cung cấp nước ngoài như là một cách tiếp cận để phát triển sản xuất kinh doanh linh kiện của mình hoặc để được chuyển giao công nghệ. Bằng cách đó, các nhà cung cấp trong nước sẽ từng bước nắm được các yêu cầu sản xuất từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chủ động tận dụng những cơ hội đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.