Nhà nước sẽ lập Quỹ đầu tư mạo hiểm vào công nghệ cao?
Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Nhà nước nên lập Quỹ đầu tư mạo hiểm vào công nghệ cao
Đó là khẳng định trong tờ trình Dự án Pháp lệnh Công nghệ cao do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện. Dự án này được thảo luận trong phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hôm 30/1.
Theo tờ trình Dự án, đến nay một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các khu công nghệ cao địa phương, trong đó có những khu công nghệ cao đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả (như khu công nghệ phần mềm Quang Trung, Tp.HCM); các doanh nghiệp cũng đã chú ý đầu tư vào công nghệ cao như FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông,...
Nhưng nhìn tổng thể, trình độ công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn ở giai đoạn mới bắt đầu hình thành và phát triển, còn thua kém nhiều so với các nước trong khu vực.
Về vấn đề Quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ cao do Nhà nước thành lập, Ban soạn thảo Dự án cho rằng trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, các tổ chức, cá nhân trong nước chưa có kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao, các công ty đầu tư mạo hiểm nước ngoài lại lấy mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu, nên chưa có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Trong điều kiện đó, việc Nhà nước tham gia đầu tư trong giai đoạn ban đầu hình thành Quỹ để khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển hoạt động đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết.
Tuy nhiên, khi thẩm tra Dự án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không tán thành việc quy định Nhà nước thành lập “Quỹ đầu tư mạo hiểm”. Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay Luật Khoa học và công nghệ đã quy định cho phép lập “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia”...
Triển khai quy định này, Chính phủ cũng đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Nhà nước. Do đó, theo Ủy ban Pháp luật, việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước sẽ dẫn tới tình trạng trùng lặp về mục đích hoạt động của các loại quỹ, đồng thời cũng sẽ là một gánh nặng về tài chính đối với ngân sách Nhà nước.
* Để khuyến khích phát triển sử dụng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao quy định, kỹ sư mới tốt nghiệp đại học làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được trợ cấp để mức lương hàng tháng không dưới 3 lần mức lương tối thiểu trong 3 năm đầu kể từ ngày bắt đầu làm việc nếu nơi sử dụng không có thoả thuận khác; và được ưu tiên xét tuyển trong các chương trình đào tạo, thực tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp trong nước và ngoài nước...