"Nhiều địa phương quá chú trọng phòng chống dịch mà không đảm bảo sản xuất kinh doanh"

Hạnh Mai
Chia sẻ

Điều này đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, tại một số vùng đang có dịch, như Hải Dương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo chiều 2/3 - Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo chiều 2/3 - Ảnh: VGP

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3 "nóng" với nhiều câu hỏi liên quan tới "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

THIẾU LINH HOẠT, QUÁ CHÚ TRỌNG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng cho biết thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu "kép". Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng xấu tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, ngày 28/1/2021, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-CP về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Thủ tướng giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn. 

"Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp đã rất quyết liệt hành động. Đáng mừng là đến nay đã bước đầu ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp, ở một mức mà chúng ta chấp nhận được", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, ông Thắng nhận định trong quá trình thực hiện, một số địa phương "quá chú trọng đến công tác phòng chống dịch nên đã ban hành một số văn bản mà theo dư luận đánh giá là chưa linh hoạt, thậm chí chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là phòng chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh".

"Điều này đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, những hàng hóa đến vụ thu hoạch và có sản lượng cao tại một số vùng đang có dịch, như Hải Dương", Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin.

QUYẾT LIỆT THÁO GỠ NÚT THẮT HÀNG HÓA, NÔNG SẢN CHO VÙNG DỊCH

Thứ trưởng cho biết trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. 

"Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Ví dụ, hệ thống phân phối Centra Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, trong đó có nông sản", ông Thắng thông tin.

"Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch".

Ngày 21/2, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong đó nêu rõ nguyên nhân của việc này, ách tắc ở đâu, đề xuất từng việc mà các bộ, ngành địa phương cần làm. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản 1193 ngày 24/2 đồng ý với đề xuất Bộ Công Thương và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 25/2 giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch. 

"Ngay sau khi nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chúng tôi đã làm ngay trong ngày thứ 7, Chủ nhật. Hôm qua (1/3), Bộ Công thương đã làm việc trực tuyến với Hải Dương, Hải Phòng, các bộ ngành có liên quan, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để bàn rất kỹ về dự thảo văn bản này. 

Chiều 1/3, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ở vùng dịch, trong văn bản có nêu nội dung khi cần thiết chỉ định các cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) để cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch. 

Làm rõ về việc "khi nào là cần thiết", "các UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào đâu để chỉ định cơ quan đầu mối cấp giấy tờ", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết mỗi địa phương đều có các cơ quan chuyên môn liên quan đến vấn đề này như y tế, nông nghiệp (sản xuất), công thương (phân phối lưu thông), giao thông vận tải (vận chuyển hàng hóa) và Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy chế. 

"Còn nếu địa phương thấy rằng không cần chỉ định bất cứ đầu mối nào mà hoạt động hiệu quả thì hoàn toàn có quyền chủ động không thành lập đầu mối. Nhưng thấy rằng một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thu mua sản phẩm trong vùng dịch mà gặp đến 3,4 đầu mối, thì địa phương có quyền chủ động chỉ định một đầu mối, để tháo gỡ khó khăn cho người mong muốn thu mua, đồng thời hỗ trợ cho nông dân, người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm", ông Thắng nêu rõ. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con