Những mẫu ô tô nào có cơ hội được giảm trước bạ 50% tại thị trường Việt?
Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận gửi Bộ Tài chính về đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước được xem là giải pháp cần thiết để vực dậy thị trường ô tô trong nước đang có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm thời gian qua. Với chính sách này, sẽ có nhiều mẫu xe được lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi thời gian tới.
Thực tế từ năm 2023, nhiều mẫu xe từ bình dân đến hạng sang đang chào bán tại Việt Nam đã được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước.
Ở phân khúc xe phổ thông, được giới thiệu tại Việt Nam vào tháng 3/2022, 2 mẫu xe Toyota Veloz Cross và Toyota Avanza Premio đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của mình trong phân khúc MPV 7 chỗ cỡ nhỏ. Trước nhu cầu của thị trường và để đảm bảo nguồn cung, Toyota đã chuyển từ nhập khẩu Indonesia sang lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, 3 mẫu xe khác của Toyota như Vios, Innova và Fortuner (máy dầu) vẫn xuất xưởng từ nhà máy ở Vĩnh Phúc.
Tiếp đến phải kể tới các mẫu xe Peugeot đang bán tại Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi THACO, gồm các mẫu SUV chiến lược của hãng như 2008, 3008 và 5008. Cùng thuộc THACO, hiện Mazda3 và CX-5 đang là những sản phẩm được lắp ráp cùng với Mazda6 và CX-8.
Tại nhà máy ở Hải Dương, Ford tiếp tục lắp ráp hai mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam là “vua bán tải” Ranger và mẫu Territory mới.
Hai thương hiệu KIA và Hyundai nổi bật với danh mục sản phẩm hầu như lắp ráp trong nước toàn bộ, do đó có thể nói đây là hai cái tên hưởng lợi nhiều nhất khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ được áp dụng chính thức thời gian tới. Hyundai được lắp ráp và phân phối bởi TC Motor (công ty con của tập đoàn Thành Công). Nhà máy đầu tiên của hãng đặt tại KCN Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình. Trong khi đó, Kia là hãng con của Hyundai nhưng hoạt động kinh doanh tách riêng tại Việt Nam. Trường Hải (THACO) nắm quyền lắp ráp và phân phối xe Kia. Nhà máy đặt tại KCN Chu Lai, tỉnh Quảng Nam có công suất thiết kế khoảng 50.000 xe/năm. Trong gia đình Hyundai, hiện chỉ còn Hyundai Stargazer vẫn được nhập khẩu từ Indonesia.
Trước đây, tại nhà máy ô tô Honda ở Vĩnh Phúc từng lắp ráp nhiều nhất 3 mẫu xe: City, Civic và CR-V, nhưng qua thời gian, từng đại diện rơi rớt dần và hiện Honda Việt Nam chỉ còn mẫu City, CR-V lắp ráp nội địa và mới đây Honda Việt Nam đã quyết định thực hiện chương trình hỗ trợ 100% thuế trước bạ và một năm bảo hiểm thân vỏ cho mẫu xe lắp ráp trong nước CR-V.
Mitsubishi Việt Nam hiện chỉ lắp ráp 2 mẫu xe Outlander và Xpander bản số sàn (MT). Trong đó, vua doanh số chính của hãng là Xpander bản số tự động lại được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Ở nhóm xe sang, danh mục xe lắp ráp của Mercedes-Benz Việt Nam tập trung vào các dòng C-Class, E-Class và GLC. Từ năm 2023, nhà máy Mercedes-Benz tại quận Gò Vấp, TP.HCM, sẽ lắp ráp mẫu xe Mercedes-AMG đầu tiên để phân phối ra thị trường Việt Nam. Trước đó, tại nhà máy của hãng ở quận Gò Vấp, TP.HCM hãng xe Đức đã trình làng các phiên bản C200, C300 AMG nhưng phiên bản C300 AMG lắp ráp CKD chỉ có một số chi tiết AMG “mang tính trang trí”. Trong khi phiên bản C43 AMG được biết đến là một phiên bản AMG đúng chất với nhiều khác biệt ở động cơ, hệ thống treo, công nghệ, nội ngoại thất… Đây sẽ là mẫu xe hiệu suất cao Mercedes-AMG đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam.
Ngày 5/12/2022, tập đoàn BMW Group đã chính thức thông báo, hãng này sẽ hợp tác cùng THACO để lắp ráp các dòng xe BMW theo dạng CKD ở nhà máy Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: THACO.
THACO là nhà phân phối chính thức các dòng xe BMW tại Việt Nam nhưng đến hiện tại, THACO này mới bắt tay vào việc lắp ráp một số dòng xe của hãng xe Đức. Các mẫu xe phổ biến nhất của BMW sẽ được lắp ráp tại Chu Lai bao gồm BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5. Ở mảng xe sang, cùng với Mercedes, BMW lắp ráp sẽ có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc mạnh dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương vừa qua đã đồng loạt có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn cũng đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong đơn kiến nghị vừa được gửi các bộ ngành, VAMA chỉ ra từ cuối quý 4/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Trong khi đó, VAMI cho biết khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, làm ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.
Các hiệp hội cho rằng để giải quyết tình hình hiện tại thì việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Liên quan đến mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC ngày 31/5/2023 về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản trả lời liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (Nghị định) theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/5/2023, trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023. Đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định như kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC nêu trên.
Trước đó, ngày 31/5, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 97/TTr-BTC gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo trước đó.
Trường hợp Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện, thì Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (để thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Hiện tại, trong khi chờ được giảm 50% phí trước bạ, các doanh nghiệp sản xuất ô tô lắp ráp trong nước và các đại lý đã phải tung rất nhiều khuyến mại lớn thời gian qua để kích cầu tiêu dùng trước bối cảnh thị trường lao dốc nghiêm trọng. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, chính sách giảm 50% phí trước bạ có thể sẽ là một “liều thuốc” kịp thời giúp vực dậy thị trường ô tô trong nước trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của các vấn đề khách quan, thị trường xe Việt cuối năm sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.