"Nối gót" đối thủ, Alibaba chuẩn bị thử nghiệm ôtô tự lái
Alibaba cũng có kế hoạch xây dựng một mạng lưới gồm 10 tỷ thiết bị kết nối trong vòng 5 năm tới
Gã khổng lồ công nghệ Alibaba vừa xác nhận đang thử nghiệm ôtô không người lái tại Trung Quốc, theo sau hai đối thủ Baidu và Tencent.
Theo trang tin tài chính Caixin, Alibaba đang chuẩn bị tuyển thêm 50 chuyên gia về ôtô tự lái cho trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của mình. Động thái này cho thấy công ty của tỷ phú Jack Ma đang chuẩn bị các cuộc thử nghiệm ôtô không người lái trên đường phố và có thể sẽ đưa lên đường lớn với mục tiêu đạt được Cấp độ 4 - xe tự vận hành trong hầu hết điều kiện mà không có sự can thiệp của con người.
Alibaba bắt đầu nghiên cứu công nghệ này vào tháng 3 năm ngoái với việc chiêu mộ cựu phó giáo sư Wang Gang của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore về điều hành Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Alibaba AI Labs. Ông Gang là chuyên gia trong lĩnh xe tự lái và thị giác máy tính.
Động thái lần này được xem là bước tiến mới nhằm đạt được tham vọng kết nối các thiết bị và quản lý giao thông đô thị thông qua "những bộ não thông minh" của Alibaba.
"Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng một thế giới kết nối thông minh qua các công nghệ internet vạn vật", ông Simon Hu Xiaoming - Chủ tịch của Alibaba Cloud, nói bên lề một hội thảo về điện toán đám mây vào tháng trước. Ông Xiaoming cũng cho biết công ty có kế hoạch xây dựng một mạng lưới gồm 10 tỷ thiết bị kết nối trong vòng 5 năm tới.
Hãng thương mại điện tử khổng lồ cũng hợp tác với nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc - SAIC Motor, để phát triển ôtô kết nối Internet sử dụng hệ điều hành ôtô AliOS của Alibaba. Trong năm nay, Alibaba cũng sẽ "bắt tay" Dongfeng Peugot Citroen Automobile Company - liên doanh giữa Dongfeng Motor Group và PSA Peugeot Citroën, để phát triển một mẫu ôtô khác dùng hệ điều hành AliOS.
Trong khi đó, cả Tencent và Baidu đều đang bắt tay với các nhà sản xuất ôtô truyền thống để xây dựng liên minh của riêng mình.
Hôm 15/4, Tencent ký một thỏa thuận hợp tác với FAW Group để phát triển ôtô kết nối Internet. Đây là công ty thứ 6 tham gia liên minh của Tencent sau Changan, GAC Group, Geely, BYD và Dongfeng Liuzhou Motor. Đầu tháng 4, hãng này đã tiến hành thử nghiệm một xe không người lái trên đường phố ngoại ô Bắc Kinh.
Nhanh chân hơn hai đối thủ, Baidu đã lôi kéo được hàng chục đối tác sản xuất ôtô vào dự án xe tự lái Apollo. Công ty này cũng hợp tác với nhà sản xuất xe bus King Long United Automotive Industry để phát triển xe bus tự lái hoàn toàn đầu tiên của Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, Baidu được Bộ Khoa học và Công nghệ trung Quốc trao danh hiệu vô địch quốc gia với những nỗ lực trong việc phát triển ôtô tự lái. Hãng này cũng đang thử nghiệm xe tự lái cấp độ 4.
Sau vụ tai nạn một chiếc xe tự lái do Uber thử nghiệm bị mất kiểm soát của Uber đâm vào một người đi bộ băng qua đường bang Arizona, Mỹ, hoạt động thử nghiệm xe tự lái ở nước này đang bị "đóng băng", đồng thời kỳ vọng về dòng xe này cũng sụt giảm. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, những cuộc thử nghiệm loại xe này vẫn đang tiến hành bình thường.
Ôtô tự lái đang ngày càng được xem là sự tổng hợp của những công nghệ tân tiến nhất bao gồm 5G, sản xuất, năng lượng mới, và loạt công nghệ thế hệ mới hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng trong cách con người sống, làm việc và giải trí.
Theo một báo cáo mới đây của hãng tư vấn McKinsey, Trung Quốc đang nổi lên là thị trường xe tự lái và dịch vụ di động lớn nhất thế giới, được dự báo trị giá hơn 500 tỷ USD vào năm 2030.
McKinsey dự báo phương tiện tự lái sẽ chiếm khoảng 13% trong tổng số km di chuyển của hành khách ở Trung Quốc vào năm 2030 và chiếm 66% vào năm 2040. Trong khi đó, số lượng ôtô tự lái tại nước này được dự báo sẽ lần lượt đạt 8 triệu và 13,5 triệu chiếc vào 2030 và 2040.
Hãng tư vấn này dự báo thời điểm mà chi phí của ôtô tự lái với taxi có người lái tương đương nhau là vào khoảng 2025 đến 2030.
Theo khảo sát của McKinsey, 98% người Trung Quốc được hỏi tỏ vẻ yêu thích phương tiện tự lái, cao hơn so với 69% tại Đức và 70% tại Mỹ. Khách hàng trung Quốc cũng sẵn sàng trả trung bình 4.600 USD cho công nghệ này, mức cao nhất trong 3 nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất ôtô lớn, hãng công nghệ hay nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ dẫn đầu cuộc đua này tại Trung Quốc.
"Vẫn còn quá sớm để xác định đối tượng nào sẽ thắng thế trên thị trường trị giá hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ này của Trung Quốc", ông Christopher Thomas – một đối tác của McKinsey, nói. "Không có công ty riêng lẻ nào có đầy đủ hết các công nghệ để làm nên chuyện".