Ô tô Trung Quốc trước bài toán lấy lại lòng tin từ khách Việt
Trong lần trở lại với làn sóng lớn chưa từng có hiện tại, các hãng xe Trung Quốc đang cho thấy ưu thế áp đảo tại thị trường xe Việt. Tuy nhiên, thời gian qua đã báo hiệu nhưng thách thức với các hãng xe Trung Quốc là không nhỏ khi chinh phục được người dùng Việt.
Làn sóng tái xuất mạnh mẽ
Các hãng xe Trung Quốc đã vào thị trường xe Việt khá lâu nhưng chưa đạt được nhiều thành công.
Từ năm 2006, Tập đoàn Lifan ra mắt mẫu sedan Lifan 520, mở màn cho hành trình thâm nhập thị trường Việt của các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc.
Năm 2009, Tập đoàn Chery ra mắt mẫu xe Chery QQ3 và Riich M1 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng thời điểm 2009). Năm 2010, BYD trình làng mẫu BYD F0 tại Việt Nam với mức giá khoảng 200 triệu đồng.
Trong những lần này, điểm chung của các sản phẩm mà các hãng xe Trung Quốc mang tới là giá thành rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe nhập từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là người dùng Việt còn e ngại vấn đề chất lượng và giá trị bán lại của các mẫu xe Trung Quốc.
Mặt khác, các dòng xe Trung Quốc cũng khó tiếp cận thị trường do thiếu mạng lưới đại lý rộng khắp như các hãng xe đang chiếm thị phần tại Việt Nam.
Trong hai lần trở lại sau đó với những tên tuổi mới như Haima, MG, Zotye, BAIC trong khoảng thời gian từ 2011-2018, mặc dù số lượng mẫu xe phong phú hơn, gần với thị hiếu của người dùng hơn nhưng các nhà sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc vốn rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc các hãng xe Trung Quốc coppy ý tưởng của các hãng xe tên tuổi khác càng khiến người dùng e dè hơn trước khi quyết định xuống tiền mua xe.
Từ năm 2019 đến nay, xe Trung Quốc đã có nhiều thay đổi không chỉ ở thiết kế và còn ở mức giá khá linh hoạt, một số mẫu xe chỉ từ 500 triệu đồng, những mẫu xe này vẫn được tích hợp nhiều trang bị cao cấp như: nhận diện khuôn mặt, màn hình giải trí cỡ lớn, cửa sổ trời toàn cảnh cùng hàng loạt trang bị an toàn như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, ga tự động và cảm biến áp suất lốp...
Đến năm 2022, một số hãng xe lớn của Trung Quốc đã cho thấy sự “nghiêm túc” hơn trong việc xâm nhập thị trường xe Việt như MG, Chery đã xác nhận sẽ quay trở lại thị trường Việt. Trong đó, Tập đoàn Chery khẳng định sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam sau khi ký kết với Geleximco.
Đến năm 2024, sau những cái tên như Wuling, Hongqi, Haima, Haval, làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam sẽ tiếp nối với hàng loạt thương hiệu khác như GAC, Aion, Omoda, Jaecoo và BYD trong 6 tháng cuối năm.
Những mẫu xe đầu tiên của năm hãng này dự kiến có mặt trên thị trường vào hai quý cuối 2024. Như vậy, trong vòng chưa đầy 4 năm, đã có tới hơn 10 thương hiệu ô tô Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt.
Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, về thị trường nhập khẩu ô tô về Việt Nam, dẫn đầu thị phần hiện nay vẫn là 3 quốc gia ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, chiếm tới hơn 90% lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
Thách thức ở thị trường Việt
So với những lần trước đó, không thể phủ nhận việc các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, tạo nên một làn sóng ô tô mới cả về quy mô và bài bản hơn rất nhiều trong lần tái xuất này.
Đặc biệt, chất lượng – yếu tố luôn được quan tâm nhất, đã được “nâng cấp”. Các thương hiệu Trung Quốc cũng tăng cường các dịch vụ hậu mãi để phục vụ người tiêu dùng chứ không chỉ “dựa hơi” các đại lý Việt Nam như trước đây để làm thị trường.
Bằng chứng cho sự “nghiêm túc” đó chính là việc nhiều hãng xe hàng đầu của Trung Quốc và trên thế giới đã tuyên bố lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Điều này là cần thiết để lấy lòng tin của người tiêu dùng Việt và cho thấy quyết tâm gắn bó dài hơi với thị trường. Nó sẽ giúp các hãng xe Trung Quốc thu hút sự tin tưởng từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là câu chuyện toàn cầu của các hãng xe Trung Quốc khi vào Việt Nam. Hẳn không ai lạ việc các hãng xe Trung Quốc bị “hắt hủi” tại châu Âu và Mỹ. Những căng thẳng địa chính trị đã khiến các hãng xe Trung mới phải tập trung tìm đường khai phá các thị trường mới ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Điều này khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi việc liệu các hãng xe Trung có chuyển “hàng tồn” về các khu vực khác hay không (!?).
Bên cạnh đó là vấn đề giá cả của các mẫu xe Trung Quốc cũng sẽ là vấn đề vì thực tế doanh số chủ yếu trong thị trường nội địa, được nhiều ưu đãi của chính quyền. Nhưng nếu ra nước ngoài, giá thành sẽ có nhiều thay đổi vì chính sách thuế của từng quốc gia là khác nhau.
Đặc biệt, thị trường Việt Nam dù là thị trường nhỏ với dung lượng thị trường không quá lớn nhưng cũng không hề dễ dàng để chinh phục vì tâm lý e ngại xe Trung Quốc. Chưa kể để việc so với thời gian trước đây, hiện thị trường Việt có rất nhiều lựa chọn ở nhiều phân khúc khác nhau với nhiều tầm giá và ưu đãi nhiều nên các khách hàng Việt ngày càng khó tính hơn và yêu cầu cao về chất lượng, dịch vụ cũng như giá cả.
Một yếu tố đã hằn sâu trong tâm trí của người dùng Việt còn là những vấn đề “cái dớp” không mấy vui vẻ với xe Trung Quốc trong những giai đoạn trước đây.
Ngoài ra, liên quan đến chiến lược kinh doanh xe điện của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng không hề dễ dàng vì chưa kể các yếu tố kể trên, khi bán xe điện tại Việt Nam, việc không có hệ thống hạ tầng trạm sạc rộng rãi sẽ là rào cản rất lớn.
Không giống như các thương hiệu xe Nhật, Mỹ, Hàn đang tồn tại khá lâu tại Việt Nam, có thể thấy rằng, chất lượng, niềm tin của người tiêu dùng, giá cả, sự nghiêm túc phát triển thị trường trong việc xây nhà máy sản xuất, phát triển hạ tầng trạm sạc sẽ là những yếu tố mà các hãng xe Trung Quốc buộc phải giải được nếu muốn chinh phục khách hàng Việt thời gian tới.