Ô tô từ các nước ASEAN về Việt Nam tiếp tục có thuế 0%, xe lắp ráp trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2022/NĐ-CP quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2022 - 2027. Theo đó, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thành viên nội khối ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa đến năm 2027. Việc xe nhập khẩu từ các quốc gia trong khối ASEAN tiếp tục có mức thuế 0% sẽ gây áp lực không nhỏ đến doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước.
Ô tô nhập khẩu liên tục tăng trưởng mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường Việt Nam nhận thêm 64.700 ô tô cả lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 12/2022. Đây là con số cao nhất tính từ đầu năm 2022.
Có 39.700 xe được sản xuất và lắp ráp trong nước, tăng 5,5% so với tháng 11 và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, sản lượng ô tô nhập khẩu đạt 25.000 xe, tăng 10% so với tháng 11; đạt kim ngạch 466 triệu USD, tăng 8,6%. Mỗi chiếc ô tô nhập khẩu về trong tháng 12 đạt giá trị trung bình 18.640 USD, các xe giá rẻ đang chiếm số lượng lớn.
Tính trong cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, tổng lượng ô tô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616.190 xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021, mỗi ngày thị trường tiếp nhận thêm trung bình hơn 1.688 chiếc ô tô mới.
Đáng chú ý là năm 2022 nhiều mẫu xe bán chạy tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ thị trường Indonesia như: Toyota Veloz Cross, Mitsubishi Xpander, Hyundai Creta,... cùng với một số mẫu được nhập khẩu từ Thái Lan như: Toyota Corolla Cross, Ford Everest....
Trước đó, chỉ hơn 11 tháng đầu năm, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đã cao hơn gần 3.300 xe so với cả năm 2021.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu tiên của tháng 12 đã là 11.769 xe các loại, với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 219 triệu USD.Với 10.091 xe, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn là sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của thị trường ô tô Việt Nam, chiếm 85,7% tỷ trọng toàn bộ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 12. Lượng ô tô trên 9 chỗ ngồi được nhập khẩu trong cùng giai đoạn là 153 xe với tổng giá trị kim ngạch hơn 3,6 triệu USD, còn ô tô vận tải được nhập khẩu với số lượng 1.109 xe, tổng giá trị hơn 21 triệu USD.
Trong khi đó, toàn thị trường Việt Nam chỉ nhập khẩu 160.035 xe khi năm 2021 khép lại.
Nếu tính trong cùng khoảng thời gian nửa đầu tháng 12, Việt Nam cũng nhập về hơn 259 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô.
Cuộc đua khốc liệt
Theo điều 4 nghị định 126/2022 và bảng phụ lục đính kèm quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (gọi tắt là hưởng thuế suất ATIGA), xe ô tô phải đáp ứng đủ điều kiện: Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định ATIGA, bao gồm các nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines; Singapore và Thái Lan.
Ngoài ra, xe ô tô phải đáp ứng được các quy định về xuất xứ hàng hóa, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và quy định hiện hành của pháp luật.
Với quyết định này, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước thuộc ASEAN tiếp tục được hưởng lợi thế về thuế suất thuế nhập khẩu khi vào Việt Nam để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Trước đó, từ năm 2018, ô tô nhập khẩu từ ASEAN chính thức áp dụng mức thuế 0% theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Với ưu đãi này, lượng xe ô tô từ các nước thành viên vào Việt Nam tăng mạnh.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, việc Hiệp định thương mại hàng hóa nội khối ASEAN (ATIGA) được áp dụng đã mở đường cho nhiều loại ô tô từ Thái Lan và Indonesia tràn vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ từ 30 - 35% tổng sản lượng ô tô tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam.
Từ khi mức thuế của xe nhập khẩu trong khối ASEAN đưa về mức 0% 2018 theo Hiệp định thương mại hàng hóa nội khối ASEAN (ATIGA), thực tế các doanh nghiệp Việt vẫn còn “loay hoay” để tận dụng lợi thế của Hiệp định này. Nguyên nhân chính là ở sự khác biệt trong cách tính tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam so với quốc tế được cho là một nguyên nhân khiến ô tô Việt khó xuất khẩu cạnh tranh với nước bạn. Cách tính tỉ lệ nội địa hóa của các nước ASEAN để hưởng ưu đãi thuế theo ATIGA đều khác so với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi cách tính của các nước ASEAN là theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại. Nhiều ý kiến đã cho rằng, để phù hợp với xu thế, Việt Nam cần xây dựng cách tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô theo các tiêu chuẩn chung của quốc tế để làm sao vừa khuyến khích sản xuất trong nước lẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu.
Trải qua một thời gian dài, mãi cho đến năm 2022 vừa qua, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô mới chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022, qua đó bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được Bộ này ban hành chính thức được bãi bỏ bởi các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô.
Trước đây nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.
Mục đích của quy định này chính là để phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô (tính điểm theo mức độ rời rạc).
Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.
Thông tư 11 chính thức có hiệu lực sau thời gian dài được cho là đã “lỗi thời” cũng được giới chuyên gia đánh giá là “cởi trói” cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội cạnh tranh với xe nhập khẩu được hưởng lợi từ thuế suất nhập khẩu 0% theo ATIGA.
Mặc dù chịu áp lực rất lớn từ phía ô tô nhập khẩu từ các quốc gia trong khối ASEAN nhưng các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng được hưởng lợi. Đơn cử như trường hợp Thaco Auto cũng đã tận dụng được cơ hội khi xuất khẩu ngược xe sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Từ năm 2017, Thaco và Auto Delta (Philippines) đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường Philippines để thiết kế và phát triển sản phẩm xe bus theo yêu cầu của khách hàng. Ngày 16/5/2019, Thaco đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất khẩu sang Philippines để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng đón nhận, hài lòng về chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, sau khi Thông tư 11 có hiệu lực, mới đây công ty TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai với công suất lên đến 100.000 xe/năm. Tại khu vực ASEAN, Hyundai hiện chỉ có một nhà máy tại Indonesia. Nhà máy TC Motor số 2 hiện được ứng dụng nhiều công nghệ mới có công suất 100.000 xe/năm, hứa hẹn cho ra mắt các mẫu xe xanh đang rất “hot” trên thị trường như Hyundai Santa Fe Hybrid và xe điện Ioniq 5. Nhà máy này có xưởng hàn, xưởng sơn và xưởng lắp ráp. Trong đó, xưởng hàn trang bị thiết bị hàn của hãng Obara và robot hàn của Hyundai Robotic. Dây chuyền hàn của nhà máy thiết kế dạng module tích hợp cho nhiều dòng xe, tối ưu diện tích nhà xưởng và trang thiết bị hàn. Tại trạm lắp ghép tổ hợp khung thân vỏ, robot có khả năng thay đổi đồ gá phù hợp theo từng dòng xe.
Kết hợp với nhà máy số 1 cho tổng công suất xe Hyundai đạt 180.000 xe/năm, có thể giúp hãng xe Hàn Quốc có thể đáp ứng tốt nhu cầu thị trường Việt Nam cũng như hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực châu Á.
Do đó, TC Motor hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu một số dòng xe sang nhiều quốc gia trong khối. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ nội địa hoá của các dòng xe bán chạy như Grand i10, Accent đạt mức 40%, TC MOTOR có thể xuất khẩu xe sang các nước ASEAN hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định AFTA.
Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% vẫn đang liên tục ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực rất lớn, các doanh nghiệp tại Việt năm 2022 đã có những câu trả lời với những kế hoạch đẩy mạnh việc lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023 như việc các hãng xe đã chuẩn bị kế hoạch lắp ráp trong nước nhiều dòng xe được ưa chuộng: Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, các mẫu BMW....
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, cuộc đua giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp ngay trên chính thị trường Việt sẽ rất hấp dẫn và ô tô xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ có những dấu ấn mới trong việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lắp ráp cũng sẽ có những chuyến đi mới ra thị trường khu vực.