OpenAI nhận được khoản đầu tư 1,5 tỷ USD từ SoftBank thông qua chào mua cổ phiếu
Khoản đầu tư mới nhất từ SoftBank bổ sung thêm nguồn quỹ cho OpenAI sau vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ USD gần đây…
CNBC đưa tin, OpenAI đang cho phép nhân viên bán số cổ phiếu trị giá khoảng 1,5 tỷ USD trong đợt chào mua mới cho SoftBank.
Nguồn tài chính mới giúp Tập đoàn công nghệ Nhật Bản nắm giữ cổ phần lớn trong OpenAI. Hãng cũng cho phép toàn bộ nhân viên hiện tại và trước đây bán số cổ phiếu đang sở hữu, nguồn tin nội bộ tiết lộ.
Theo đó, tất cả nhân viên sẽ có thời hạn đến ngày 24/12 để quyết định xem muốn tham gia vào đợt chào mua mới hay không, đây là cơ hội chưa từng có tiền lệ trước đây. Thỏa thuận được thúc đẩy bởi tỷ phú sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành SoftBank Masayoshi Son, người vẫn kiên trì mua cổ phần lớn trong OpenAI sau khi đầu tư 500 triệu USD vào vòng gọi vốn gần nhất.
Nguồn tin cũng nhận định lời mời thầu này không liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc thành doanh nghiệp vì lợi nhuận của OpenAI.
OpenAI và SoftBank từ chối bình luận về sự việc.
MỐI QUAN TÂM CỦA SOFTBANK
Tin tức nhấn mạnh mối quan tâm của tỷ phú Son đối với lĩnh vực AI và nhóm công ty tư nhân có giá trị nhất trong ngành. SoftBank là nhà đầu tư ban đầu vào công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ARM Holdings. Ông Son đã tuyên bố tại một hội nghị gần đây rằng công ty đang tiết kiệm “hàng chục tỷ USD” để thực hiện “bước tiến lớn tiếp theo” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước đây, Softbank từng đầu tư vào Apple, Qualcomm và Alibaba.
Quỹ Vision Fund 2 của SoftBank gần đây cũng hỗ trợ nhiều công ty khởi nghiệp AI như Glean, Perplexity và Poolside. Được biết, SoftBank hiện có khoảng 470 công ty trong danh mục đầu tư và 160 tỷ USD tài sản từ hai quỹ tầm nhìn.
Khoản đầu tư vào OpenAI phù hợp với mong muốn lưu chuyển tiền mặt của SoftBank với mô hình kinh doanh thâm dụng vốn (hoạt động sản xuất đòi hỏi đầu tư vốn cao hơn như nguồn lực tài chính, máy móc phức tạp, máy móc tự động hóa, thiết bị mới).
Tất nhiên, ngay cả khi không có nguồn tài trợ dồi dào từ SoftBank, OpenAI dường như cũng không gặp khó khăn trong việc huy động tiền mặt. Định giá công ty đã tăng lên 157 tỷ USD trong hai năm kể từ khi ra mắt ChatGPT. Trước đó, startup của CEO Sam Altman huy động khoảng 13 tỷ USD từ nhà đầu tư chính Microsoft và công ty vừa kết thúc vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ USD vào tháng 10/2024 do Thrive Capital dẫn đầu cùng sự tham gia của Nvidia, SoftBank và một số tổ chức khác.
Công ty cũng nhận được khoản tín dụng theo luân chuyển (phương thức vay vốn, trả nợ gắn liền với quá trình dự trữ và luân chuyển hàng hoá, vật tư) trị giá 4 tỷ USD, nâng tổng thanh khoản lên hơn 10 tỷ USD. OpenAI vẫn dự kiến lỗ khoảng 5 tỷ USD trên doanh thu 3,7 tỷ USD trong năm nay, CNBC xác nhận vào tháng 9/2024.
TOÀN BỘ NHÂN VIÊN OPENAI ĐỀU CÓ THỂ THAM GIA BÁN CỔ PHIẾU
Đợt chào mua sẽ dành cho tất cả nhân viên và cựu nhân viên được cấp đơn vị cổ phiếu hạn chế từ tối thiểu hai năm trước và hiện vẫn nắm giữ cổ phiếu. Giá mỗi đơn vị khoảng 210 USD, phù hợp với vòng tài trợ gần nhất của công ty.
Lời đề nghị chào mua đang trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với nhóm công ty công nghệ trong bối cảnh thị trường IPO trì trệ và định giá doanh nghiệp tăng vọt. Khu vực tư nhân thường dựa vào các giao dịch này nhằm duy trì mức độ hài lòng nhân viên và giảm áp lực niêm yết trên thị trường công khai. Vì OpenAI không còn đợt IPO nào sắp diễn ra và mức giá hiện tại được cho là quá đắt đỏ đối với những người muốn mua lại, nên giải pháp bán cổ phiếu thứ cấp là cách duy nhất trong tương lai gần để cổ đông “bỏ túi” thêm một phần tài sản.
Databricks là một ví dụ khác khác đang huy động vốn nhằm cho phép nhân viên rút tiền mặt, từ đó tránh áp lực thị trường.
Năm ngoái, OpenAI tiến hành áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các đợt chào mua, với bộ quy tắc cho phép công ty xác định ai được tham gia vào quá trình bán cổ phiếu. Nhiều nhân viên hiện tại và cựu nhân viên từng nhiều lần bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng tiếp cận thanh khoản sau một số báo cáo cho biết công ty có quyền thu hồi vốn chủ sở hữu đã trao.
Nhưng Open đã đảo ngược chính sách bán cổ phiếu thứ cấp vào mùa hè này và hiện cho phép toàn bộ nhân viên (bao gồm cả hiện tại và trước đây) được tham gia bình đẳng vào các đợt chào mua công khai hàng năm.
Hơn nữa, công ty dự kiến sẽ cho phép nhiều đợt bán cổ phiếu thứ cấp hơn sau khi khai thác thị trường kỹ càng trong tương lai dựa trên nhu cầu nhà đầu tư và bản chất thâm dụng vốn của doanh nghiệp.
“MIẾNG BÁNH” MANG TÊN AI TẠO SINH
OpenAI đang phải đối mặt với bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ đối thủ như Anthropic hay các gã khổng lồ công nghệ như Google. Thị trường AI tạo sinh dự đoán sẽ đạt doanh thu 1 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ và chi tiêu kinh doanh cho AI tạo sinh đã tăng 500% trong năm nay, theo dữ liệu từ Menlo Ventures.
Tháng trước, OpenAI vừa ra mắt tính năng tìm kiếm trong ChatGPT, giúp công ty cạnh tranh tốt hơn với nhóm đối thủ công cụ tìm kiếm như Google, Bing hay Perplexity của Microsoft.