Phân khúc sedan hạng B thị trường Việt “nóng” trở lại
Mặc dù tạm thời nhường “ngôi vương” doanh số cho SUV, dòng xe sedan vẫn có lượng tiêu thụ khá ổn định tại thị trường Việt. Đặc biệt, kể từ những tháng cuối năm 2023, phân khúc sedan hạng B đang có xu hướng tăng trưởng mạnh trở lại, báo hiệu năm kinh doanh 2024 có thể có khởi sắc.
Báo cáo mới nhất của Toyota Việt Nam cho thấy, tháng 12/2023, doanh số Toyota Vios, mẫu sedan hạng B từng được mệnh danh là mẫu “xe quốc dân” tại Việt Nam bất ngờ đạt 3.022 xe, tăng mạnh 94,2% so với tháng 11. Với doanh số này, Vios chắc chắn chiếm vị trí dẫn đầu xe bán chạy nhất của tháng. Thành tích nổi bật của Vios cũng đã giúp đẩy tổng doanh số xe Toyota tháng 12 lên 9.050 xe, cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023. Trước đó, Toyota Vios ghi nhận mức sụt giảm khá mạnh và bắt đầu ổn định trở lại từ tháng 9/2023. Tổng kết năm 2023, Vios chiếm gần 23% tổng doanh số các mẫu xe Toyota tại Việt Nam gộp lại.
Hyundai Accent, mẫu sedan ăn khách nhất của Hyundai Thành Công cũng có một năm kinh doanh ổn định, hầu như không chịu tác động từ sự sụt giảm của thị trường chung khi doanh số luôn đạt từ 1.000-1.700 xe/tháng. Từ tháng 9/2023, Accent bắt đầu quay trở lại top 3 xe bán chạy nhất thị trường. Mặc dù vậy, nếu so sánh với năm 2022, doanh số Accent cũng sụt giảm khá mạnh (khoảng 27%).
Các mẫu xe khác như Mitsubishi Attrage, KIA Soluto, Mazda 2, Honda City vẫn giữ vững doanh số hàng tháng, không có nhiều biến động. Trong đó, với doanh số năm 2023 dự kiến hơn 9.000 xe, Honda City có nhiều cơ hội cạnh tranh top 3 xe bán chạy nhất phân khúc sedan hạng B.
Những số liệu trên cho thấy, dù trải qua một năm đầy biến động, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các mẫu xe SUV, nhưng dòng xe sedan vẫn có một lượng người dùng trung thành và ổn định. Điều này, một phần xuất phát từ trong tiềm thức của đa số người tiêu dùng vẫn luôn hình dung thiết kế thon dài của xe sedan mỗi khi nhắc đến ô tô. Bên cạnh đó, về thiết kế khí động học, các mẫu sedan thường có khoảng sáng gầm nhỏ, lực cản gió thấp hơn nhiều so với các dòng CUV, SUV, MPV hay bán tải. Nhờ vậy, dòng xe sedan có khả năng tối ưu khi tăng tốc và tiết kiệm nhiên liệu.
Nhưng tại sao lại là sedan hạng B mà không phải sedan hạng A, hạng C hay hạng D? Lý do được các chuyên gia phân tích, thứ nhất là giá cả hợp lý, vừa túi tiền người dùng Việt. Trong đó, tùy phiên bản, Toyota Vios giá từ 479-592 triệu đồng, Hyundai Accent giá từ 399-465 triệu đồng, Honda City từ 559-609 triệu đồng, Mitsubishi Attrage từ 380-490 triệu đồng, Mazda 2 từ 415-499 triệu đồng, KIA Soluto từ 386-462 triệu đồng, Nissan Almera từ 539-595 triệu đồng... Đây là khoảng giá mà nhiều gia đình Việt đã có thể tiếp cận, thậm chí trả tiền một lần duy nhất.
Các mẫu sedan hạng A, dù có mức giá rẻ hơn nhưng lại thiếu hụt nhiều tính năng cần thiết cho nhu cầu đi lại gắn với trải nghiệm và du lịch nên có xu hướng dần trở thành xe chạy dịch vụ. Các mẫu sedan hạng C và hạng D, dù có khoang cabin rộng rãi cùng nhiều trang bị, tính năng hiện đại nhưng mức giá khá cao, thường từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, sedan hạng B được đánh giá là phân khúc có sự linh động cao nhất khi vừa có mức giá khá sát với các mẫu sedan hạng A, nhưng lại sở hữu được một số tính năng hiện đại vốn chỉ xuất hiện trên các mẫu sedan hạng C trở lên. Do vậy, đây cũng là phân khúc có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các thương hiệu ô tô. Theo đó, mỗi mẫu xe sẽ có những thế mạnh cạnh tranh riêng, từ giá cả cho đến tính năng đi kèm.
Đối với người tiêu dùng, nếu lấy giá rẻ làm tiêu chí thì các mẫu Hyundai Accent, Mitsubishi Attrage và KIA Soluto bản tiêu chuẩn, số sàn là lựa chọn hàng đầu. Nếu so sánh về trang bị, tính năng đi kèm và hệ thống an toàn thì Hyundai Accent, Honda City và Mazda 2 có nhiều lợi thế. Nếu muốn một chiếc xe có động cơ mạnh mẽ, khả năng bứt tốc ấn tượng thì không có mẫu xe nào vượt qua được Nissan Almera. Nếu tìm một mẫu xe hài hòa được tất cả các tiêu chí trên thì đó là Toyota Vios. Tuy nhiên, qua từng năm, với các phiên bản mới liên tục được ra mắt, ranh giới về thế mạnh cạnh tranh vốn có đang có xu hướng giao thoa. Điều này khiến các hãng xe liên tục phải cập nhật, điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với xu hướng mới của thị trường. Một số chuyên gia nhận định, những khó khăn lớn nhất của thị trường ô tô Việt đang dần qua đi và năm 2024 sẽ là một khởi đầu mới đầy triển vọng dành cho tất cả các phân khúc ô tô, trong đó có sedan.
Thứ hai, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam cho ngành ô tô trong nước. Quyết định cũng nêu rõ, định hướng chung đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi là tập trung vào dòng xe cá nhân có kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.
Theo đó, hầu hết các mẫu xe cỡ nhỏ đều thuộc phân khúc hạng A, hạng B và dòng xe sedan cũng không ngoại lệ. Hiện tại, các mẫu xe cỡ nhỏ, động cơ “chấm” nhỏ vẫn đang được hưởng lợi nhờ mức thuế suất thuế TTĐB thấp nhất so với các mẫu xe cỡ vừa hoặc cỡ lớn. Nhiều mẫu sedan hạng B được sản xuất, lắp ráp trong nước nên được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và các đợt ưu đãi giảm lệ phí trước bạ do Chính phủ ban hành.