Phát triển nguồn nhân lực Blockchain để đảm bảo an ninh số

Huyền Thương
Chia sẻ

Việc làm chủ công nghệ lõi Blockchain sẽ mang lại giá trị thực sự cho các sản phẩm Blockchain “make in Vietnam”, giúp kiểm soát công nghệ và dữ liệu trong nước, thay vì phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài…

Theo Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.

TIỀM NĂNG BÙNG NỔ VÀ “CƠN KHÁT” NHÂN LỰC NGÀNH BLOCKCHAIN

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy  tại một sự kiện gần đây, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Đại học Đại Nam, cho rằng công nghệ Blockchain đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo ông, có ba lý do chính cho xu hướng này. 

Thứ nhất, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, yêu cầu về sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, giáo dục và y tế,… trở nên cấp thiết. Blockchain, với sự tích hợp nhiều công nghệ khác nhau hoàn toàn có thể coi là giải pháp lý tưởng để đáp ứng những yêu cầu trên.

 
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Đại học Đại Nam
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Đại học Đại Nam

Dù chậm trễ trong công tác đào tạo nhân lực Blockchain, Việt Nam vẫn có cơ hội bắt kịp thông qua các phương pháp đào tạo hiệu quả.

Chẳng hạn như tổ chức các chương trình đào tạo lại hoặc đào tạo bằng thứ hai, nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng về công nghệ cho những người có nền tảng kiến thức và kỹ năng về tài chính và ngược lại; áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại như lớp học đảo ngược, sử dụng các chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí từ các trường đại học uy tín trên thế giới…

Thứ hai, Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, trong đó các sàn giao dịch tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa có vai trò hết sức quan trọng. Mã hóa tài sản và giao dịch tài sản mã hóa gắn liền với Blockchain, đồng thời Blockchain sẽ thúc đẩy sự phát triển của hoạt động của lĩnh vực này. 

Thứ ba, ứng dụng công nghệ Blockchain giúp tiết kiệm chi phí giao dịch, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch và mang lại sự tiện lợi, từ đó mang lại giá trị và lợi ích cho cả người dân và nền kinh tế.

Chính tiềm năng to lớn này đã tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, cũng là cơ hội việc làm vô cùng khả quan trong thời gian tới. PGS.TS. Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tài chính - công nghệ, đặc biệt là Blockchain và tài chính số, đang rất lớn nhưng “nguồn cung lại thiếu hụt nghiêm trọng”. 

Sức hút của ngành công nghiệp Blockchain còn thể hiện qua mức thu nhập của nhân sự trong ngành này. Ông Dư Công Thành, Giám đốc Phát triển Thị trường Mỹ và châu Á của SotaTek, cho biết mặt bằng thu nhập của nhân sự Blockchain tương đương với các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). 

“AI cùng với Blockchain vốn là hai công nghệ nổi bật trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với sinh viên mới ra trường hoặc có khoảng một năm kinh nghiệm, mức lương khởi điểm trong ngành Blockchain dao động từ 12 đến 20 triệu đồng mỗi tháng”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Blockchain là một lĩnh vực khó, đòi hỏi sự cập nhật liên tục vì công nghệ thay đổi nhanh chóng và có nhiều nhánh kỹ thuật phức tạp. “Cơ hội nghề nghiệp trong ngành này rất cao, mặc dù đi kèm với đó là những thách thức về kỹ năng và khả năng thích ứng với công nghệ mới”, chuyên gia cho biết.

“NÚT THẮT” TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH BLOCKCHAIN

Dù cơ hội rộng mở, công tác đào tạo nhân lực Blockchain tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, tạo thành một “nút thắt” cản trở sự phát triển. PGS.TS. Đặng Ngọc Đức nhìn nhận Việt Nam có phần chậm trễ trong việc đào tạo so với các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu. Không những thế, các trường đại học cũng đang gặp phải một số thách thức trong công tác đào tạo chuyên ngành Blockchain. 

Khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ giảng viên chuyên môn sâu. “Do thiếu giảng viên chuyên môn, nhiều trường đại học phải hợp tác với các trường đại học hoặc chuyên gia nước ngoài, dẫn đến các vấn đề như thời gian giảng dạy của chuyên gia nước ngoài bị hạn chế (thường chỉ 3-4 tuần), rào cản ngôn ngữ khi giảng dạy bằng tiếng Anh, và học phí cũng cao hơn. Ngoài ra, việc thiếu tương tác giữa giảng viên và sinh viên ngoài giờ học, cũng như cơ hội thực hành tại các phòng thực hành/thực nghiệm (Fintech Lab), cũng là một hạn chế khác”, chuyên gia cho biết.

Để khắc phục khó khăn về đội ngũ giảng viên, một số cơ sở đào tạo như Trường Đại học Đại Nam đã tổ chức các khóa học đào tạo giảng viên (TOT), qua đó vừa bổ sung nguồn nhân lực giảng dạy, vừa có thể giảng dạy các học phần Blockchain bằng tiếng Việt, góp phần tăng cường sự lan tỏa kiến thức về tài chính - công nghệ trong cộng đồng.

Việc cập nhật các học phần về Blockchain vào chương trình đào tạo chính quy ở các trường đại học hiện nay cũng là một khó khăn và khó có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại, bởi các chương trình đào tạo đại học thường kéo dài từ 3 đến 4 năm. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu trước mắt, nhiều cơ sở đào tạo và các tổ chức nghề nghiệp đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về Blockchain, AI, IoT,… song song hoặc tích hợp vào chương trình đào tạo sẵn có.

Điển hình như Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) đang đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập Blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100 nghìn sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước thông qua nhiều hoạt động cụ thể như hội thảo, đào tạo trực tuyến, hackathon, ideathon,… Tất cả những khóa học như vậy đều hướng đến giải quyết bài toán nhân lực “cấp thiết” về Blockchain cho Việt Nam.

 
PGS.TS. Tạ Minh Thanh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự
PGS.TS. Tạ Minh Thanh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự

Để xây dựng một mạng Blockchain Việt Nam thành công, cần những chuyên gia hiểu rõ về phần lõi của công nghệ, chứ không chỉ dừng lại ở việc phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng có sẵn của nước ngoài.

Việc làm chủ công nghệ lõi Blockchain sẽ mang lại giá trị thực sự cho các sản phẩm Blockchain “Make in Vietnam”, giúp kiểm soát công nghệ và dữ liệu trong nước, thay vì phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài.

PGS.TS. Tạ Minh Thanh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho rằng nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên sâu như Blockchain, vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Nhân lực công nghệ thông tin nói chung rất dồi dào, nhưng trong các lĩnh vực hẹp như Blockchain, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Đặc biệt, ở tầng cốt lõi (core) của công nghệ Blockchain, tức là những bộ phận nghiên cứu sâu về kỹ thuật và phát triển mạng Blockchain, nhân lực đang rất thiếu”, PGS.TS. Tạ Minh Thanh cho biết.

Theo ông, để xây dựng một mạng Blockchain Việt Nam thành công, cần những chuyên gia hiểu rõ về phần lõi của công nghệ, chứ không chỉ dừng lại ở việc phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng có sẵn của nước ngoài.

“Các trường đại học và viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực chuyên sâu về phần lõi này, trong khi các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào phát triển ứng dụng. Việc làm chủ công nghệ lõi Blockchain sẽ mang lại giá trị thực sự cho các sản phẩm Blockchain “Make in Vietnam”, giúp kiểm soát công nghệ và dữ liệu trong nước, thay vì phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài”, PGS.TS. Tạ Minh Thanh cho hay.

Đồng thời, PGS.TS. Tạ Minh Thanh nhận định rằng trong vòng 5 năm tới, với sự phát triển của các chương trình đào tạo tại các trường đại học và cơ sở giáo dục, nguồn nhân lực Blockchain sẽ tăng trưởng đáng kể và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Để tháo gỡ những thách thức trong đào tạo và nắm bắt cơ hội, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ và một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, dù chậm trễ trong công tác đào tạo nhân lực Blockchain, Việt Nam vẫn có cơ hội bắt kịp thông qua các phương pháp đào tạo hiệu quả. PGS.TS. Đặng Ngọc Đức đề xuất ba giải pháp chính. 

Thứ nhất, tổ chức các chương trình đào tạo lại hoặc đào tạo bằng thứ hai, nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng về công nghệ cho những người có nền tảng kiến thức và kỹ năng về tài chính và ngược lại, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có cả chuyên môn công nghệ và tài chính. Ông cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần linh hoạt hơn trong chính sách, cho phép đào tạo lại ngay lập tức thay vì áp đặt các quy định cứng nhắc về thời gian hay điều kiện mới được đào tạo bằng 2 hoặc cao học về Fintech. 

Thứ hai, triển khai đào tạo tại chỗ cho các cán bộ đang làm việc trong ngành, đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại, để nhanh chóng bổ sung kiến thức và kỹ năng công nghệ cho đội ngũ cán bộ chuyên viên, vừa hiệu quả vừa tránh được sự xáo trộn nguồn nhân lực của các ngân hàng thương mại. 

Thứ ba, áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại như lớp học đảo ngược, sử dụng các chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí từ các trường đại học uy tín trên thế giới, kết hợp các giờ học ở giảng đường với các giờ học tại các phòng thực hành, thực nghiệm và giờ học tại các doanh nghiệp. Những phương pháp này giúp người học không chỉ linh hoạt về thời gian và địa điểm mà còn được trải nghiệm ứng dụng thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả đào tạo cả về kiến thức và kỹ năng thực hành.

ĐÀO TẠO LINH HOẠT VÀ LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ LÕI “MAKE IN VIETNAM”

Ông Dư Công Thành, Giám đốc Phát triển Thị trường Mỹ và châu Á của SotaTek, cho biết nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng để ngành Blockchain tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 3 đến 5 năm tới. Vì vậy, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo và tìm kiếm nhân tài chuyên sâu về Blockchain, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà phát triển và cộng đồng Blockchain là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc. 

“Sự kết nối này không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm thực tiễn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Cộng đồng sẽ đóng vai trò như một bệ phóng, giúp triển khai và nhân rộng các dự án Blockchain mang tính thực tiễn cao, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trong khu vực”, ông Thành cho biết.

Theo PGS.TS. Tạ Minh Thanh, đây là thời điểm phù hợp để Blockchain, cùng với AI và IoT, trở thành những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong nền kinh tế số Việt Nam. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS. Tạ Minh Thanh, đây là thời điểm phù hợp để Blockchain, cùng với AI và IoT, trở thành những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong nền kinh tế số Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS. Tạ Minh Thanh, Blockchain là một công nghệ chiến lược của quốc gia. Việc làm chủ công nghệ nền tảng Blockchain, đặc biệt là xây dựng mạng Blockchain quốc gia, là yếu tố cốt lõi để minh bạch hóa tài sản số và các giao dịch. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu về minh bạch hóa trong quản lý và triển khai công việc, mà còn tạo nền tảng để mạng Blockchain Việt Nam đạt được uy tín và sự bảo đảm từ phía Nhà nước.

Mặc dù nguồn nhân lực trong lĩnh vực Blockchain vẫn đối mặt với những thách thức, song PGS.TS. Tạ Minh Thanh cho rằng người Việt Nam có khả năng tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Theo ông, sinh viên hiện nay đã sớm nắm bắt các xu hướng công nghệ như AI, Blockchain và Internet vạn vật (IoT). Thực tế trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, làn sóng Blockchain phát triển mạnh mẽ trên thế giới đã giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về tiềm năng của công nghệ này. 

“Đây là thời điểm phù hợp để Blockchain, cùng với AI và IoT, trở thành những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong nền kinh tế số Việt Nam. Sinh viên trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ sớm và tư duy nhạy bén, có lợi thế vượt trội so với các thế hệ trước trong việc đánh giá và ứng dụng Blockchain. Làn sóng công nghệ này sẽ tạo ra một sân chơi mới, đầy cơ hội để sinh viên triển khai các ứng dụng sáng tạo trên nền tảng Blockchain”, PGS.TS. Tạ Minh Thanh cho hay.

Trong câu chuyện đào tạo, chuyên gia nhấn mạnh các trường đại học cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là về nguồn ngân sách, nguồn vốn để đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, phát triển phần lõi của Blockchain. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp sẽ là mô hình hợp tác phát triển cơ bản thúc đẩy nghiên cứu, phát triển sản phẩm và ứng dụng công nghệ mới rất hiệu quả trong tình hình mới. 

“Nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của “ba Nhà”, không có nguồn lực tài chính, các trường đại học và viện nghiên cứu khó có thể đào tạo được nhân sự chất lượng cao, đầu tư vào máy móc, tham gia hội thảo quốc tế hay trao đổi ý tưởng với các chuyên gia nước ngoài”, PGS.TS. Tạ Minh Thanh nói.

Theo ông, Chính phủ cần đặt hàng các trường đại học và viện nghiên cứu để tập trung nghiên cứu phần lõi của Blockchain, thay vì chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp phát triển ứng dụng. Nguồn ngân sách cho nghiên cứu cơ bản là yếu tố then chốt để các nhà khoa học có thể phát triển công nghệ Blockchain nội địa một cách bền vững.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2025 phát hành ngày 28/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-30.html 

Phát triển nguồn nhân lực Blockchain để đảm bảo an ninh số - Ảnh 1

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con