Quản lý tập đoàn: Chỗ nào cũng “hổng”

Lê Châu
Chia sẻ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát "sức khỏe" của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Đang nắm giữ trên 400.000 tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng các bộ quản lý các tập đoàn đều kêu thiếu vốn - Ảnh: Việt Tuấn.
Đang nắm giữ trên 400.000 tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng các bộ quản lý các tập đoàn đều kêu thiếu vốn - Ảnh: Việt Tuấn.
Liên tục trong ba ngày, từ 20 đến 22/7, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 5 bộ là "phụ huynh" của nhiều tập đoàn kinh tế nhất gồm Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua giám sát, đánh giá chung của đoàn là mô hình và hiệu quả quản lý các tập đoàn đang còn nhiều vấn đề bất cập.

Trong thời gian qua dư luận xã hội rất băn khoăn về hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về "sức khỏe" của khối này khi báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra các con số doanh thu của khối doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 52.000 tỷ đồng trong khi khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực FDI đạt 65.000 tỷ. Chính vì thế, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát các tập đoàn để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 và trình Quốc hội vào tháng 10.

"Trường ca" thiếu vốn

Dù khối doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ trên 400.000 tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng các bộ quản lý các tập đoàn đều kêu thiếu vốn.

Báo cáo với đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mình, cả hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương đều kêu về vốn.

Các bộ này than rằng quy định bảo toàn vốn nhà nước không có cơ chế xác định hiệu quả của vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khiến trách nhiệm của doanh nghiệp còn mờ nhạt. Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi thành lập đều xác định vốn điều lệ trên cơ sở vốn chủ sở hữu của Nhà nước trên sổ sách kế toán tại thời điểm chuyển đổi. Nhưng sau đó, khi quy mô sản xuất kinh doanh thay đổi thì vốn điều lệ không điều chỉnh, bổ sung kịp thời, doanh nghiệp phải vay các nguồn vốn khác với tỷ trọng lớn nên báo cáo tài chính cũng không phản ánh được thực chất nhu cầu sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Chính vì thế, tình hình tài chính ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước thuộc quản lý của hai bộ này lâm vào tình trạng lỗ lũy kế, nợ phải thu khó đòi lớn; nợ phải trả quá hạn lớn, khả năng thanh toán hạn chế, thậm chí có những doanh nghiệp bị mất hết vốn nhà nước và đứng bên bờ vực phá sản.

Tình hình tại Bộ Giao thông Vận tải cũng tương tự. Bộ này hiện có 15 tổng công ty Nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, công nghiệp, dịch vụ, vận tải... nắm giữ những nguồn lực quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, sản xuất phương tiện, máy móc thiết bị, vận tải, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo báo cáo tài chính năm 2006-2007, ước thực hiện năm 2008: chỉ có các doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp, thương mại và dịch vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, tình hình tài chính tương đối ổn định. Các khối còn lại đều rất khó khăn do vốn Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp này quá thấp. Như khối xây lắp có vốn đầu tư chỉ khoảng dưới 8% với tổng số vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Bộ Xây dựng, tình hình có khá hơn khi năm 2008, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận thực hiện; vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp này được bảo toàn và phát triển; khả năng thanh toán có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa cao.

Các bộ mơ hồ trong quản lý

Chia sẻ và thông cảm với khó khăn mà các bộ đang phải quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhưng các thành viên của đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra rằng các bộ hiện vẫn còn khá là mơ hồ trong việc đảm đương trách nhiệm này.

Trong quản lý các tập đoàn và tổng công ty, đâu đâu cũng thấy "hổng". Mô hình tập đoàn và tổng công ty của các bộ vận hành như thế nào, tính pháp lý cũng như vai trò quản lý của bộ với tư cách là chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty trong mối quan hệ với các bộ cũng chưa được làm rõ.

Việc tách chức năng quản lý của bộ chủ quản đối với các tập đoàn, tổng công ty chưa dứt điểm nên bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả. Chẳng hạn như trong khi cơ chế chính sách đã chuyển đổi căn bản theo kinh tế thị trường thì Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì hình thức văn phòng tổng công ty quản lý doanh nghiệp và một số cơ chế bao cấp.

Mổ xẻ nguyên nhân căn bản dẫn đến việc khó khăn trong quản lý vốn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ, các bộ chưa xác định rõ những lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối. Vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty có tăng lên nhưng mức tăng chưa tương ứng với các lợi thế; các tổng công ty đầu tư trái ngành, bị thua lỗ, làm thâm hụt vốn của Nhà nước cũng chưa bị xử lý nghiêm...

Một số chuyên gia tham gia đoàn giám sát đề nghị: để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty thì cần xác định rõ trong từng lĩnh vực, Nhà nước phải nắm tập đoàn, tổng công ty nào; trong từng tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước phải nắm công ty mẹ, công ty con nào; chấm dứt ngay tình trạng công ty mẹ cũng có vốn Nhà nước, công ty con, công ty cháu cũng có vốn Nhà nước.

Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính chưa phản ánh đúng thực chất tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Cũng theo nhận xét của đoàn thì có một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị nên nhiều khi các yếu kém đã bị nhìn nhận lệch lạc đi khiến cho đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty dễ bị méo mó. Hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước chưa thể giải quyết căn bản và minh bạch nếu chưa xác định rõ cơ chế quản lý như hiện nay.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con