SGI Capital vừa tiết lộ lý do "quay xe" bán sạch cổ phiếu ngân hàng
SGI Capital vừa tiết lộ lý do quỹ này bán sạch cổ phiếu ngân hàng dù tháng 2 trước đó còn nhận định tình hình rất khả quan...
Như VnEconomy cập nhật, sau hai tháng 3 và tháng 4 bán ra, quỹ của SGI Capital không còn giữ một cổ phiếu ngân hàng nào, tỷ trọng tiền mặt của quỹ lên cao nhất gần 1 năm...
Mới đây, SGI Capital đã nhận định triển vọng kém tích cực về nhóm ngân hàng.
Cụ thể, theo SGI Capital trong báo cáo 10/2023, quỹ này đã có cái nhìn tích cực hơn về thị trường chung và ngành ngân hàng với kỳ vọng lãi suất hạ sẽ giúp nợ xấu được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tín dụng tăng trưởng trở lại giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng phục hồi.
Tuy nhiên, những diễn biến thực tế thời gian qua đang cho thấy quá trình này sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn khi kinh tế thực phục hồi chậm và nhiều khách hàng vay nợ đang ở tình trạng thanh khoản khó khăn hơn cả giai đoạn 2022-2023 trong khi nền lãi suất bắt đầu tăng trở lại.
Tăng trưởng tín dụng tính mới đạt 2,41% sau 5 tháng và nhiều khả năng sẽ ở mức thấp nhất lịch sử cho cả năm 2024. Ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng thấp, huy động kém cũng đẩy lãi suất lên làm giảm NIM. Nợ xấu vẫn có xu hướng tăng khiến nhu cầu trích lập dự phòng tăng theo.
"Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào vùng trũng thông tin sau mùa Đại hội cổ đông với nhiều kỳ vọng tăng trưởng cao so với thực tế. Định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Trong khi đó, thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa ở mức cao lịch sử. Các cân đối này đang cho thấy rủi ro tăng lên và mức độ hấp dẫn của thị trường giảm đi", SGI Capital nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 2, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital khi đó "ôm" đến 40,2% tỷ trọng là cổ phiếu ngân hàng đã nhận định sau những giai đoạn thận trọng cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán 2024 đã có những tín hiệu khởi sắc được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý 4 đã cho thấy bức tranh chung ngành ngân hàng bước dần qua giai đoạn khó khăn nhất với vùng đáy NIM, đỉnh nợ xấu và trích lập dự phòng đã được xác lập với các Ngân hàng Quốc doanh và Ngân hàng CP lành mạnh như ACB. Ở vùng định giá rẻ lịch sử như cuối 2023, không khó để cổ phiếu ngành này được thị trường định giá lại cho một triển vọng 2024 tích cực hơn.
Danh mục cổ phiếu ngân hàng của SGI Capital khi đó bao gồm một số cổ phiếu như ACB 11,29%, MSB 4,56%, CTG 9,16% , TPB 4,31%, VIB 4,21%.
Tuy nhiên, trong tháng 3 quỹ này đã bán ra hầu hết số cổ phiếu ngân hàng đưa tỷ trọng tiền mặt lên mức cao. Bước sang tháng 4, quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital tiếp tục bán nốt ACB với tỷ trọng 6,37%, đưa danh mục sạch bóng cổ phiếu ngân hàng.
Đến tháng 5 vừa qua, quỹ SGI Capital tiếp tục bán ra lượng cổ phiếu trong danh mục, đưa tỷ trọng cổ phiếu về còn 21,16% trong khi tháng 4 tỷ trọng ở mức 28,96%. Tương đương với tỷ trọng tiền mặt tiếp tục tăng từ 71,04% lên 78,84%.
Danh mục của quỹ hiện có BWE 2,29%; DHG tỷ trọng 1,44%; FMC tỷ trọng 4,37%; PNJ tỷ trọng 1,10%; SGN tỷ trọng 1,71%; TLG tỷ trọng 6,37%; VNM tỷ trọng 3,89%. Hiện SGI không nắm giữ một cổ phiếu ngân hàng nào sau khi bán sạch trong tháng 4 vừa qua.
Tình hình kinh doanh của nhóm ngân hàng khi gây thất vọng lợi nhuận trong quý 1 vừa qua. Cập nhật của FiinGroup đến ngày 5/5 ghi nhận mức tăng khiêm tốn ở ngành Ngân hàng tăng 9,6% trong bối cảnh tín dụng tăng thấp và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Mức tăng trưởng này kém xa mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 2024 (+19%) cũng như kỳ vọng của giới phân tích cho quý 1 12-15%.
Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên theo FiinGroup điều này đầy thách thức khi tăng trưởng tín dụng đạt mức tối thiểu 0,26% trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.