Siêu máy tính mạnh nhất Trung Á chính thức ra mắt
Giới chuyên gia và chính trị gia Kazakhstan đều tin rằng: nếu không sở hữu các giải pháp công nghệ và hạ tầng bản địa hóa, không một quốc gia nào trong tương lai có thể thành công…

Mới đây, Kazakhstan vừa chính thức bước vào cuộc đua toàn cầu trong lĩnh vực siêu máy tính khi ra mắt cỗ máy mạnh nhất khu vực Trung Á. Tuy nhiên, tình trạng “chảy máu chất xám” cũng đặt ra không ít trở ngại cho tham vọng công nghệ của nước này, theo Euronews Next.
Siêu máy tính, đạt tốc độ xử lý 2 exaflops, tương đương hai tỷ tỷ (10^18) phép toán mỗi giây, vừa ra mắt tại Trung tâm siêu máy tính Alem.cloud ở Thủ đô Astana, Kazakhstan.
Cỗ máy phục vụ hai mục tiêu lớn: một là vận hành các dịch vụ công điện tử ngày càng phổ biến; hai là hỗ trợ nghiên cứu, phát triển mô hình và công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) – hai lĩnh vực được chính phủ Kazakhstan ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm qua.
SIÊU MÁY TÍNH MẠNH MẼ NHẤT TRUNG Á THÚC ĐẨY THAM VỌNG CỦA KAZAKHSTAN
Người bấm nút khởi động siêu máy tính không ai khác là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev – nhà bảo trợ lâu năm cho dự án, có thể nói toàn bộ chiến lược AI quốc gia được xem là “nỗ lực tâm huyết” của Tổng thống Tokayev. Chính nhà lãnh đạo đã ban hành “Định hướng phát triển AI tại Kazakhstan đến năm 2029”, đặt mục tiêu trong vòng bốn năm nữa, Kazakhstan sẽ đứng ngang hàng với các quốc gia dẫn đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tại lễ ra mắt, Tổng thống tuyên bố: “Việc đưa siêu máy tính vào vận hành là bước đi quan trọng trong tiến trình số hóa lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế và khoa học, đồng thời tạo điều kiện để phát triển công nghệ tiên tiến, phục vụ cuộc sống hằng ngày”.
“Đây là dự án mang tính nâng tầm hình ảnh quốc gia. Kazakhstan đang khẳng định mình trên trường quốc tế là đất nước tiếp cận được công nghệ hiện đại và biết cách tận dụng công nghệ”, ông Boris Potapchuk, chuyên gia cao cấp tại Đại học Nazarbayev, phát biểu.
Ông Potapchuk nhấn mạnh: “Cụm AI sẽ giúp sử dụng ngân sách và tài nguyên nhà nước hiệu quả hơn nhiều khi tập trung và kết nối hệ thống thông tin hiện đang phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau. Điều này không chỉ giúp người dân tiếp cận dữ liệu dễ dàng hơn mà còn đảm bảo độ an toàn và tính ổn định cao hơn”.
Tuy nhiên, Kazakhstan không phải không có tiền sử về lỗ hổng dữ liệu. Chỉ trong tháng trước, vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn được phát hiện, có khả năng làm lộ thông tin cá nhân của 16 triệu công dân. Bộ Phát triển số, Đổi mới sáng tạo và Công nghiệp vũ trụ tiếp nhận điều tra vụ việc, nghi ngờ dữ liệu bị lộ bao gồm tên, mã định danh cá nhân, ngày sinh, địa chỉ và số điện thoại – và nguồn rò rỉ là từ cơ sở dữ liệu tư nhân, không thuộc chính phủ.
Kazakhstan bắt đầu triển khai chiến lược chính phủ điện tử từ năm 2004 và đến nay đã số hóa 92% dịch vụ công. Thế hệ trẻ hiện sử dụng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến như một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Trong tổng số 20 triệu dân, đã có 8 triệu người sở hữu chữ ký số.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc (EGDI), Kazakhstan đứng thứ 24 trong tổng số 193 quốc gia – thứ hạng rất ấn tượng.
Thế nhưng, trọng tâm lớn nhất của chính phủ hiện nay lại là phát triển trí tuệ nhân tạo. Năm 2024, Kazakhstan phê duyệt dự thảo luật về AI, đồng thời thành lập Ủy ban AI nhằm quản lý và định hướng lĩnh vực mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng này.

THÁCH THỨC TRONG KỶ NGUYÊN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Chính vì vậy, việc đầu tư vào một siêu máy tính trở nên cấp thiết. Cỗ máy tại Astana đặt trong trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier III, nơi các chuyên gia Kazakhstan có thể học cách vận hành, làm mát, phát hiện và xử lý lỗi cũng như đảm bảo an toàn mạng.
Một số giải pháp ứng dụng AI được trình diễn ngay tại lễ khai trương bao gồm: mô hình ngôn ngữ Kazakh (AlemLLM), hệ thống phát hiện sớm cháy rừng và một vài ứng dụng trong y tế, xây dựng, giáo dục.
Mô hình thu hút nhiều sự quan tâm suốt những năm qua là KazLLM – mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo dành riêng cho tiếng Kazakh. Nhiều nhà phân tích cảnh báo nếu AI dựa trên nền tảng tiếng Anh phát triển quá nhanh, ngôn ngữ phi phương Tây có thể mai một dần. Kazakhstan đã phản ứng bằng cách đầu tư vào mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) bản địa, giúp bảo tồn và mở rộng không gian sử dụng tiếng Kazakh trong môi trường số.
Hiện tại, đã có sáu siêu máy tính khác được đặt tại các trường đại học trong nước, phục vụ mục đích nghiên cứu và phát triển AI.
“Ví dụ điển hình cho lý do chúng tôi cần siêu máy tính chính là KazLLM. Mô hình cơ bản ban đầu chủ yếu dựa vào văn bản, nhưng giờ đây chúng tôi tiến tới hệ thống nhận dạng giọng nói, xử lý hình ảnh, và xa hơn là mô hình đa phương tiện tích hợp cả văn bản, âm thanh và hình ảnh”, ông Waqar Ahmad, Chủ tịch Hội đồng Đại học Nazarbayev, bày tỏ.
Ngược lại, chuyên gia Boris Potapchuk lại thận trọng hơn, cho rằng siêu máy tính chủ yếu được dùng để vận hành mô hình hiện có thay vì đào tạo hay phát triển mô hình mới.
“Thông số hiệu năng hiện tại cho thấy hệ thống sẽ thiên về ứng dụng hơn là sáng tạo. Việc đi vào những chân trời mới trong AI luôn là bước tiến lớn – kéo theo không ít câu hỏi và thách thức”, ông Potapchuk nói thêm.

RÀO CẢN CÔNG NGHỆ: THIẾU NHÂN LỰC VÀ BẢO MẬT QUỐC GIA
“Chúng ta cần hiểu rằng một siêu máy tính kiểu này đòi hỏi phải liên tục cập nhật, bảo trì phần mềm và nhiệm vụ đó chỉ có thể giao cho chuyên gia trình độ cao nhất”, ông Potapchuk chia sẻ. “Nếu thành thật mà nói, Kazakhstan đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng: chúng ta đang mất dần nhân tài, đặc biệt là chuyên gia CNTT, ra nước ngoài”.
Ông Potapchuk đề nghị Kazakhstan buộc phải vừa đào tạo, vừa giữ chân chuyên gia công nghệ, đồng thời cập nhật thường xuyên phần mềm và mã nguồn. Tuy nhiên, công việc này lại khó nhờ cậy chuyên gia nước ngoài, bởi dữ liệu lưu trữ trên siêu máy tính bao gồm thông tin mật của nhà nước và công dân.
Chính phủ Kazakhstan hiểu rõ: chính siêu máy tính này là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ chuyên gia mới – dù quyền truy cập vào dữ liệu đối với học viên sẽ bị giới hạn. Đối với quốc gia, đây là bước đầu tiên – nhưng là bước quan trọng nhất – trên hành trình dài hàng nghìn dặm.
Bộ trưởng Bộ Phát triển số, Đổi mới sáng tạo và Công nghiệp vũ trụ, ông Zhaslan Madiyev, nhấn mạnh rằng phát triển công nghệ số giờ đây có tầm quan trọng không kém gì an ninh năng lượng hay an ninh lương thực.
“Việc đưa Trung tâm siêu máy tính quốc gia vào hoạt động là bước đi mang tính chiến lược trong xây dựng chủ quyền công nghệ đất nước. Chúng tôi đang tạo dựng nền tảng cho hệ sinh thái AI có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu”, ông Zhaslan Madiyev khẳng định.