Snap bị phạt 35 triệu USD sau vụ kiện về quyền riêng tư
Snap - công ty mẹ của Snapchat đã đồng ý thanh toán 35 triệu USD trong một vụ kiện tập thể ở Illinois. Đơn kiện cáo buộc rằng các bộ lọc và ống kính của Snapchat đã vi phạm Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học (BIPA) của Illinois...

Theo trang Engadget, vụ kiện cáo buộc Snapchat vi phạm đạo luật BIPA (Đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân) của Illinois (Mỹ) bằng cách thu thập và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học từ những người đã sử dụng Lens (Ống kính) và các bộ lọc của ứng dụng mà không có sự đồng ý của họ. Theo đó, những cư dân Illinois cư trú tại bang sau ngày 17/11/2015 và sử dụng các tính năng AR (thực tế tăng cường) phổ biến của Snapchat có đủ điều kiện để được bồi thường một phần.
Snap là công ty mới nhất bị phạt theo luật BIPA. Đạo luật này yêu cầu các công ty phải yêu cầu sự đồng ý trước khi thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng. Đạo luật này đặc biệt ở chỗ, nó cho phép công dân khởi kiện các công ty đã vi phạm luật.
Theo tờ Chicago Tribune, cư dân Illinois đủ điều kiện có thể nhận được các khoản thanh toán từ 58 USD đến 117 USD (tức khoảng 1-3 triệu đồng). Việc giải quyết vẫn đang chờ tòa án phê duyệt, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11. Cư dân Illinois có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường đến hết ngày 5/11.
Mặc dù đồng ý thanh toán khoản bồi thường trị giá 35 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng), song Snap không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của công ty đã cho biết rằng, Snapchat đã đưa ra thông báo yêu cầu sự cho phép trong ứng dụng cho các cư dân Illinois vào đầu năm nay. Họ cũng phủ nhận việc dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua ứng dụng có thể được sử dụng để xác định những người cụ thể.
“Ống kính không thu thập dữ liệu sinh trắc học, công cụ này chỉ được sử dụng để xác định một người cụ thể hoặc tham gia vào việc nhận dạng khuôn mặt”, Snap chia sẻ. “Ví dụ như, ống kính có thể được sử dụng để xác định mắt hoặc mũi là một bộ phận của khuôn mặt, nhưng không thể xác định đó là mắt hay mũi của người cụ thể nào.”
Snap không phải là công ty truyền thông xã hội đầu tiên vi phạm luật BIPA. Năm 2020, Facebook đã đồng ý thanh toán một thỏa thuận trị giá 550 triệu USD (gần 13 nghìn tỷ đồng) sau khi bị kiện vì thu thập dữ liệu sinh trắc học để gắn thẻ ảnh và bị cáo buộc không tuân thủ BIPA. Vào tháng 6 năm nay, Google cũng đã đồng ý trả 100 triệu USD (khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng) để giải quyết một vụ kiện cáo buộc chương trình nhận dạng khuôn mặt trong Google Photos đã vi phạm quy định trên.

ĐẠO LUẬT BẢO MẬT THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC (BIPA) LÀ GÌ?
Được các nhà lập pháp ở Springfield (Massachusetts, Mỹ) nhất trí thông qua vào năm 2008, Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học Illinois (BIPA) là một trong những luật về quyền riêng tư khắt khe nhất của đất nước, yêu cầu các công ty thu thập dữ liệu sinh trắc học như những đặc điểm khuôn mặt, giọng nói, ánh mắt, quét vân tay, nhịp tim để thực hiện các biện pháp bảo mật nhất định phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo đó, BIPA "cấm các tổ chức tư nhân thu thập, mua, nhận thông tin sinh trắc học của một người thông qua thương mại hoặc lấy bằng cách khác" trừ khi người dùng xác nhận một thông báo đồng ý cho họ sử dụng cụ thể, khoảng thời gian. Trong đó bao gồm thời gian các thông tin sinh tắc học sẽ được lưu trữ và khi nào chúng sẽ bị xóa bỏ.