Startup Hoa Kỳ nghiên cứu phương pháp ngăn chặn cháy rừng bằng công nghệ cao khi mùa hè tới
Ra đời năm 2022, công ty khởi nghiệp BurnBot chuyên chế tạo các phương tiện điều khiển từ xa có thể thu gom hoặc tiêu huỷ các loài thực vật xâm lấn và thảm thực vật khô. Hiện công ty đã huy động 20 triệu USD giúp phát triển công nghệ…
Đợt nắng nóng kỷ lục năm ngoái khiến tình trạng hạn hán trên toàn cầu thêm trầm trọng. Đặc biệt tại California, nơi chứng kiến 13 trong tổng số 20 vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử kể từ vụ cháy rừng đầu tiên bùng phát năm 2017.
Tại Nam San Francisco, startup có tên BurnBot đang nghiên cứu một số phương pháp công nghệ cao để ngăn chặn cháy rừng.
Hai nhà đồng sáng lập Anukool Lakhina và Waleed "Lee" Haddad thành lập BurnBot vào năm 2022 với mong muốn phát triển robot và phương tiện điều khiển từ xa có thể xử lý và tiêu huỷ (chủ yếu bằng phương pháp thiêu đốt) hầu hết loài thực vật xâm lấn hoặc thảm thực vật khô có nguy cơ cao gây ra hỏa hoạn nếu bỏ hoang.
Vừa qua, BurnBot đã thành công huy động gói tài trợ trị giá 20 triệu USD từ ReGen Ventures, quỹ đầu tư hỗ trợ startup ở giai đoạn đầu phát triển, hướng tới nhóm công ty tập trung nghiên cứu, xây dựng công nghệ tái tạo.
GIẢM CÔNG SỨC CON NGƯỜI
Trước khi BurnBot ra đời, đội ngũ cứu hỏa hay người nông dân phải áp dụng nhiều phương án tốn kém, tốn thời gian và nguy hiểm như chăn thả gia súc (thường là dê); đốt, phun thuốc diệt cỏ hoặc loại bỏ thảm thực vật một cách cơ học kết hợp giữa thiết bị và lao động thủ công.
"Cách truyền thống để đốt cỏ dại là bằng những ngọn đuốc nhỏ, phương pháp này đòi hỏi số lượng nhân lực khá lớn", Giám đốc Điều hành BurnBot Lakhina cho biết.
Thiết bị hiện tại của Burnbot - RX, là chiếc xe điều khiển từ xa trông giống như chiếc Zamboni (xe chuyên dụng làm sạch và bảo trì bề mặt sân trượt băng) quá khổ cùng bộ dụng cụ chữa cháy được gắn phía sau. Giống như một số thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và xây dựng khác, RX trang bị bánh xích giống xe tăng, cho phép di chuyển dễ dàng trên những cánh đồng gồ ghề.
Bên trong các buồng xe RX là dãy đuốc có thể phun lửa và điều chỉnh mức nhiệt chính xác, nhằm loại bỏ thảm thực vật không mong muốn hoặc những vật thể dễ cháy khác trên mặt đất. Các buồng BurnBot RX sau khi đốt xong sẽ nhanh chóng xử lý, phun nước liên tục để dập tắt hoàn toàn đống tro tàn, hạn chế khói và tránh gây ô nhiễm bầu không khí xung quanh.
Ngoài ra, CEO Lakhina cho biết hệ thống BurnBot có thể phát huy tốt nhất ở những nơi phương pháp đốt truyền thống không hiệu quả. Chỉ cần đốt một ngọn đuốc nhỏ, đám cháy sẽ tạo ra rất nhiều khói, cản trở hoạt động của đường dây điện và cột điện cao thế. Thiết bị của BurnBot có thể sử dụng được kể cả ngay dưới đường dây điện.
HIỆU QUẢ GẤP 10
Công ty đặt mục tiêu giúp nhân viên làm việc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy tăng hiệu quả gấp 10 lần so với hầu hết phương pháp cũ.
Giám đốc Công nghệ BurnBot Haddad, lưu ý rằng không phải lúc nào đất cũng sẵn sàng "nhận lửa". Vì vậy, công ty đã lập trình thiết bị được nhập từ một nhà cung cấp khác, khoả sát thảm thực vật trong khu vực quan tâm trước khi sẵn sàng đốt bỏ.
Cuối tuần này, BurnBot sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại San Diego, dự án dành cho CalTrans, cơ quan giao thông vận tải của tiểu bang. Nhóm cũng lên kế hoạch cho đợt đốt khác tại Pacific Gas & Electric (PG&E); một trong những công ty tiện ích lớn nhất Hoa Kỳ.
Được biết, PG&E chi tới 1 tỷ USD cho hoạt động "quản lý thảm thực vật" mỗi năm. Ông Kevin Johnson, nhà lãnh đạo Hiệp hội Đối tác Phục hồi cháy rừng của công ty, cho biết PG&E luôn "tìm kiếm giải pháp để thực hiện công việc theo cách an toàn hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn".
Ông Brice Muenzer, một đội trưởng tại Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (CalFire), cho biết các đám cháy lớn ở tiểu bang và trên khắp Hoa Kỳ trong thập kỷ qua sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu quá tập trung loại bỏ các đám cháy nhỏ hơn, bao gồm cả ngọn lửa nghi lễ từ đa số cộng đồng bản địa.
CalFire đã làm việc với nhân viên, thiết bị và máy bay không người lái bổ sung của BurnBot, để tạo ra “đường điều khiển” tại một số địa điểm nhất định, giúp áp chế đám cháy lớn nhanh gọn nhất. Đội trưởng Muenzer hy vọng sẽ làm được nhiều hơn với công ty khởi nghiệp.
Tạo ra một đường dây kiểm soát bằng cách “bôi đen đất”, tức là các nhân viên cứu hỏa thực hiện đốt cháy thảm thực vật tại khu vực một cách chiến lược khi thời tiết yên tĩnh để ngọn lửa có thể được kiểm soát, từ đó tạo ra những “vết sẹo” ngăn chặn đám cháy lớn lan rộng.
BurnBot đặt mục tiêu mở rộng hoạt động ra ngoài California, với nhiều chi nhánh và đội máy móc ở bất cứ địa phương nào cần quản lý thảm thực vật và có nguy cơ cháy rừng cao nhất.
"Có 50 triệu mẫu đất mà Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ cần xử lý mỗi năm và đó mới chỉ là đất rừng", ông Lakhina nhận định. “Ở Hoa Kỳ có 237 triệu mẫu đất cần được ‘điều trị’ tổng thể. Và phương pháp chăn thả gia súc có thể tiêu tốn 1.000 USD/mẫu đất".
KHÔNG CHỈ NGĂN CHẶN CHÁY RỪNG
Sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nạn cháy rừng. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard, khói cháy rừng có thể gây độc hại hơn ô nhiễm không khí từ các nguồn khác, gây ra nhiều ca cấp cứu nghiêm trọng, đặc biệt ở nhóm trẻ em sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng.
Không chỉ cung cấp độ tiêu huỷ thực vật chính xác cao hơn so với chăn thả, thuốc diệt cỏ và loại bỏ cơ học, các hệ thống của hãng cũng được chứng minh là có lợi hơn về mặt sinh thái, ông Haddad nói. BurnBot RX còn giúp ngăn chặn sự lây lan của hạt giống từ các loài xâm lấn mà không khiến cho bất kỳ loài nào trong số đó phát triển khả năng kháng thuốc diệt cỏ.
Bước vào vòng tài trợ, BurnBot đã thu hút nhiều nhà đầu tư tên tuổi bao gồm AmFam Ventures, Toyota Ventures và nhiều nhà đầu tư ủng hộ trước đó bao gồm quỹ robot Pathbreaker, Convective Capital và Lowercarbon Capital của Chris Sacca.