Sức ép nặng nề từ cổ phiếu blue-chips, VN-Index tuột khỏi đỉnh, khối ngoại tăng bán
VN30-Index chốt phiên sáng nay giảm tới 1,23% và chỉ sót lại 4 cổ phiếu tăng giá. Sức ép giảm từ nhóm vốn hóa lớn đang gây áp lực trên toàn thị trường, kéo VN-Index bốc hơi 12,69 điểm tương đương -1,15%. Chỉ số này chốt chỉ còn 1.089,88 điểm, tức là không chỉ tuột khỏi đỉnh 2 ngày trước, mà còn xuống thấp hơn cả đỉnh hồi tháng 12/2022...
VN30-Index chốt phiên sáng nay giảm tới 1,23% và chỉ sót lại 4 cổ phiếu tăng giá. Sức ép giảm từ nhóm vốn hóa lớn đang gây áp lực trên toàn thị trường, kéo VN-Index bốc hơi 12,69 điểm tương đương -1,15%. Chỉ số này chốt chỉ còn 1.089,88 điểm, tức là không chỉ tuột khỏi đỉnh 2 ngày trước, mà còn xuống thấp hơn cả đỉnh hồi tháng 12/2022.
Việc nhóm cổ phiếu blue-chips quay đầu điều chỉnh là không bất thường, vì trước đó giá tăng khá tốt. Tuy nhiên sức ép mạnh khiến VN-Index mất nhiều điểm đang ảnh hưởng tới tâm lý chung. Độ rộng sàn HoSE sáng nay chỉ còn 114 mã tăng/284 mã giảm, không còn trạng thái phân hóa tích cực ở cổ phiếu nữa.
VN30 có tới 25 mã giảm và chỉ 4 mã tăng, dẫn đầu nhóm giảm là VCB bốc hơi 2,11%, VNM giảm 2,64%, BID giảm 1,91%, VIC giảm 1,91%, VHM giảm 1,75%. Đây là 5 mã khiến VN-Index mất nhiều điểm nhất. Phía tăng còn NVL tăng 1,43%, KDH tăng 0,72%, HPG tăng 0,46%, PDR tăng 0,36%.
Tình thế ở rổ blue-chips này hoàn toàn đảo ngược trong phiên sáng. Những phút đầu tiên, rổ chỉ có 4 mã giảm và 20 mã tăng. Tuy nhiên chỉ đến tầm10h, số giảm giá đã áp đảo và càng về cuối phiên, mức giảm ở cổ phiếu càng rộng. Hàng loạt mã tạo bull-trap đầu ngày và gây thiệt hại lớn, như VIC có lúc tăng 1,39% so với tham chiếu, tức là biên độ dao động giảm sáng nay tới -3,25%. VCB cũng đảo chiều với biên độ -2,76%, GVR đảo chiều -2,74%, STB -2,12%...
Với độ rộng co hẹp lại dần theo thời gian, rõ ràng là đà đi xuống ở nhóm blue-chips đã lan tỏa sức ép tâm lý sang các nhóm cổ phiếu khác. Midcap cũng đang giảm 0,57% với 42 mã giảm/26 mã tăng. Smallcap giảm 0,66% với 128 mã giảm/52 mã tăng. Toàn sàn HoSE còn 114 cổ phiếu đang trên tham chiếu thì 46 mã cũng tăng được hơn 1% giá trị.
Cũng có một số cổ phiếu tăng giá ngược dòng và thanh khoản khá ổn như HAH tăng 4,12% giao dịch 47,3 tỷ đồng; VPG tăng 3,1% giao dịch 46,7 tỷ; DGC tăng 2,57% giao dịch 139,7 tỷ; GMD tăng 1,94% giao dịch 41,4 tỷ; DCM tăng 1,64% giao dịch 87,9 tỷ; NVL tăng 1,43% thanh khoản 92,8 tỷ; DPM tăng 1,16% thanh khoản 58,7 tỷ...
Dù vậy tổng thể dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm giảm giá và đang có tới 145 mã giảm trên 1%. Thanh khoản cao xuất hiện ở STB, VNM, MBB và đều tạo sức ép lớn. Cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất VAB đang tăng 1,27%, còn lại 26 mã khác của nhóm đều giảm. VCB, TCB là hai blue-chips giảm mạnh nhất, mất trên 2%. Nhóm MBB, LPB, VIB, STB, BID cũng giảm hơn 1%.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giao dịch khác lạ, khi tăng bán giảm mua. Cụ thể, khối này xả trên HoSE nhiều gấp rưỡi sáng hôm qua, đạt 626,9 tỷ đồng, trong khi mua giảm 30%, còn 699,7 tỷ đồng, nên vị thế ròng chỉ dạt 72,8 tỷ.
Không có tác động rõ rệt nào từ giao dịch của khối này. HPG được mua ròng khá mạnh 91,6 tỷ đồng thì lượng mua cũng chỉ chiếm 37% thanh khoản. SSI được mua ròng 42,9 tỷ, giá giảm 0,24% và lượng mua chiếm 32% thanh khoản. VNM bị bán ròng 70 tỷ, DGC -24,3 tỷ là những mã đáng chú ý khác.
Thanh khoản hai sàn niêm yết giảm hơn 7%, đạt 6.001 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 14%, còn 5.463 tỷ đồng. Riêng VN30 chỉ giảm khoảng 8%, nhưng giá cổ phiếu biến động theo chiều hướng giảm dần. Điều này phản ánh sức ép gia tăng trong nhóm blue-chips.
Việc VN-Index được đẩy cao vượt đỉnh tháng 12/2022 trong phiên giao dịch tân xuân dưới ảnh hưởng của nhóm blue-chips là chính. Lúc này tác động ngược của các mã này đang kéo chỉ số xuống. Điểm số đã thấp hơn đỉnh tháng 12/2022, nên rất có thể thị trường thực ra chưa từng vượt đỉnh, mà chỉ là một dao động vượt đỉnh trong một thời điểm.