Tại sao CEO Elon Musk lại ủng hộ ông Donald Trump?
Tỷ phú Elon Musk là một trong những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất, nhiều chuyên gia tin rằng sự hậu thuẫn đó không hoàn toàn vì lợi ích kinh doanh…
Ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới - chủ sở hữu mạng xã hội X - Giám đốc Điều hành SpaceX và Tesla, đã trở thành người ủng hộ lớn nhất của ông Donald Trump, thậm chí tuyên bố đang mạo hiểm mạng sống của mình để giúp tân Tổng thống trở lại Nhà Trắng, theo Euronews.
"Những việc tôi làm khiến nguy cơ bị ám sát tăng đáng kể và tham gia vào chính trị không phải là điều tôi thích. Tôi không muốn chết", ông Musk nói tại Pittsburgh vào tháng trước. "Nhưng tiền đặt cược quá cao khiến tôi cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm điều đó".
Tuy nhiên, ông trùm công nghệ không phải lúc nào cũng là người ủng hộ ông Trump. Một số chuyên gia trước đây đã mô tả ông Musk là người theo đuổi chủ nghĩa tự do ở Thung lũng Silicon, chính ông Musk đã tự gọi mình là người theo chủ nghĩa trung dung và "ôn hoà về chính trị".
Sau cuộc bầu cử năm 2016, giới tinh hoa công nghệ được mời đến Trump Tower để gặp gỡ vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Lúc đó, ông Musk cho rằng mình có thể "thuyết phục" và "ảnh hưởng" đến ông Trump về lời hứa trong chiến dịch tranh cử, bao gồm việc làm chậm tốc độ giải quyết vấn đề như nhập cư, theo tác giả Kara Swisher trong cuốn sách "Burn Book."
Vậy lý do gì khiến tỷ phú công nghệ này ủng hộ ông Trump mạnh mẽ đến vậy, khi ông tham gia “biểu diễn” trên sân khấu trong các cuộc vận động tranh cử của ông Trump và chi gần 120 triệu USD cho Ủy ban Hành động Chính trị Đảng Cộng hòa?
LỢI ÍCH KINH DOANH
Câu trả lời hiển nhiên là tỷ phú Musk muốn có người lãnh đạo đứng về phía mình để bảo vệ lợi ích kinh doanh của ông.
"CEO Musk tin rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng và tin rằng điều đó sẽ mang lại nhiều hợp đồng NASA hơn cho SpaceX, nhiều hợp đồng liên bang hơn cho Starlink, nhiều ưu đãi hơn cho Tesla, bảo vệ Điều khoản 230 cho Twitter và vô số cơ hội khác trong danh mục đầu tư", nhà đầu tư mạo hiểm và chiến lược gia chính trị, Bradley Tusk, nhận xét.
Đây là ván cược lớn đối với ông Musk vì nếu đối thủ của Đảng Cộng hoà - bà Kamala Harris giành chiến thắng, "rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc trung lập", ông Tusk nói thêm.
Chiến thắng của ông Trump cũng cho thấy tầm ảnh hưởng trực tiếp của ông Musk đến chính trị. Hồi tháng 8, ông Trump khẳng định "chắc chắn sẽ" bổ nhiệm ông Musk vào một vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ hoặc vai trò cố vấn, đồng thời ca ngợi CEO Tesla là "người thông minh".
Ngoài ra, ngay sau khi được xem là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Trump có bài phát biểu trước những người ủng hộ, trong đó ca ngợi tỷ phú công nghệ Elon Musk là "một người đặc biệt”, “một siêu thiên tài” và mọi người cần bảo vệ thiên tài của mình.
Tuy nhiên, theo ông Lenny Mendonca, cựu cố vấn kinh tế và doanh nghiệp của Thống đốc California Gavin Newsom, việc ông Musk trực tiếp ảnh hưởng hoặc tham gia giám sát các chính sách là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
"Đây là động thái xung đột lợi ích trực tiếp và bất hợp pháp", ông Mendonca bày tỏ. "Vì vậy, khi ông Trump đắc cử và yêu cầu ông Musk đảm nhận những vai trò này, ông ấy sẽ phải từ bỏ một số hoạt động của mình. Thêm vào đó, quyết định của ông Musk sẽ phải rõ ràng hơn, tách biệt với lợi ích kinh doanh".
'NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA TỰ DO CÔNG NGHỆ'
Ngoài ra, sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Musk với vị tân Tổng thống Hoa Kỳ có thể không chỉ vì mục đích kinh doanh.
"Tôi nghĩ có một nhóm doanh nhân đạt được thành công nhất định trong kinh doanh và tài chính, cái tôi lớn khiến họ tin rằng mình hiểu biết và có ý tưởng về mọi thứ", ông Mendonca nói.
"Vì vậy, điều này có xu hướng nuôi dưỡng cái tôi trong họ, khiến họ cảm thấy bản thân không chỉ là doanh nhân thành đạt, người giàu có, mà còn có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử".
Tuy nhiên, cựu cố vấn Thống đốc California cho biết có một lý do khác khiến những người giàu có, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tham gia vào chính trị.
"Tôi nghĩ rằng có một nhóm những người theo đuổi chủ nghĩa tự do công nghệ, họ không có niềm tin vào chính phủ và là một phần trong nhóm người muốn phá bỏ mọi thứ", ông Mendonca nói. "Và tôi nghĩ ông Musk nằm trong nhóm đó, mặc dù thực tế, cả hai doanh nghiệp thành công của ông ấy sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ".
Bên cạnh đó, các ông chủ công nghệ khác không lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ như vậy. Giám đốc Điều hành Meta Mark Zuckerberg quyết định giữ im lặng, giống như Google và Apple.
“Theo truyền thống, các công ty công nghệ thường phân bổ khoản đóng góp cho cả hai Đảng và không công khai ủng hộ bất cứ ứng viên nào. Nếu bạn thắng thì tốt. Nhưng nếu bạn thua thì cũng không sao cả”, ông Bill Echikson, nghiên cứu viên cao cấp tại Sáng kiến Đổi mới Kỹ thuật số và biên tập viên Bandwidth tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, phân tích.
“CANH BẠC” CỦA ELON MUSK
Bất cứ ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo đều sẽ phải quyết định xem có nên tiếp tục kiểm soát chặt Big Tech hay không. Trước đó, Bộ Tư pháp dưới chướng chính quyền Tổng thống thứ 46 Joe Biden đã điều tra chống độc quyền đối với Google, Apple, Meta và Microsoft.
"Chính quyền ông Trump sẽ không làm điều đó", ông Mendonca dự đoán và cho biết điều này sẽ tạo thêm áp lực lên EU và từng bang của Hoa Kỳ, đặc biệt là California. Hơn nữa, một chiến thắng của bà Harris sẽ không thay đổi nhiều đối với các công ty công nghệ.
"Tôi nghĩ có sự nhận thức chung rằng công nghệ không còn là một đứa trẻ mà đã trở thành người khổng lồ, cần được quản lý", nghiên cứu viên cao cấp Echikson nói. "Và tôi không nghĩ bất cứ hành vi vượt rào nào của Elon Musk sẽ mang đến thay đổi thực sự trong xu hướng chung này".
Tuy nhiên, bất lợi vẫn có thể đến với nền tảng truyền thông xã hội X. Điều khoản 230 vẫn có thể bị bãi bỏ, cung cấp cho doanh nghiệp quyền miễn trừ rộng rãi khỏi khiếu nại pháp lý đối với nội dung từ bên thứ ba. Đây là hồi chuông báo tử cho X, mặc dù, việc thông qua tại Quốc hội vô cùng khó khăn.