Tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành, Vinatex đạt 103% kế hoạch lợi nhuận
Doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm...
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm.
Đây cũng là năm tiếp theo các doanh nghiệp Vinatex có vốn chi phối đóng góp 68,4% vào lợi nhuận, còn lại 31,6% đến từ các doanh nghiệp liên kết của Vinatex.
Nếu so với lợi nhuận 6 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Vinatex có vốn chi phối đóng góp 55,6% thì bước sang 6 tháng đầu năm 2022 con số này đã có sự tăng trưởng 12,8%.
Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, các nhóm ngành sản xuất của Vinatex cũng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngành sợi 6 tháng đầu năm 2022 có doanh thu tăng 31%, lợi nhuận tăng 49% so với cùng kỳ. Với ngành may, doanh thu tăng 27%, lợi nhuận tăng 140% so với cùng kỳ…
Vinatex nhận định, ngành sợi vẫn thu được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm do tận dụng được giá bông tốt đã mua cuối năm 2021. Ngành may có đơn hàng đầy tải, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên lực lượng lao động yên tâm quay trở lại sản xuất, giữ vững năng suất lao động…
Có được những kết quả này, theo lãnh đạo Vinatex, là do các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã phát huy nội lực, khích lệ cán bộ nhân viên, người lao động vượt khó, linh hoạt ứng phó với biến động của thị trường và tận dụng lợi thế tăng tốc sản xuất để chạm đích quý 2/2022.
Đặc biệt, Vinatex từng bước tạo một khối liên kết vững mạnh để tham gia hiệu quả vào thị trường sản xuất kinh doanh từ hoạt động sinh hoạt theo nhóm ngành sản xuất về sợi, may, vải.
Các nhóm đã vận hành tốt việc xây dựng và duy trì kênh thông tin trao đổi thị trường giữa các đơn vị, giúp ra quyết định nhanh, nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, tạo tiền đề để hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín của Vinatex.
Điều đáng mừng, lần đầu tiên, các doanh nghiệp trong hệ thống có tầm nhìn và cách tiếp cận chung, đó là: tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, lao động và tài nguyên… hướng tới sản xuất xanh, bền vững.
Chính việc sinh hoạt nhóm ngành sản xuất đã giúp doanh nghiệp tiếp cận với cách tính giá thành sản phẩm ở các nước sản xuất dệt may trên thế giới nhằm định vị năng lực, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các quốc gia mạnh về xuất khẩu dệt may như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Pakistan…
Để phát triển bền vững trước những biến động của thị trường, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho rằng các doanh nghiệp cần phát huy uy tín, vị thế và duy trì thế mạnh của mình, cần trang bị phương thức quản trị rõ ràng hơn.
Đồng thời nghiên cứu khả năng ứng phó tình huống bất lợi, đưa ra mô hình kinh doanh trong 10 năm kế tiếp trước áp lực của lao động, thị trường, kinh tế tuần hoàn và phải lồng ghép trong chiến lược mới… Có những cải thiện đột phá mang tính sáng tạo để tiếp tục đổi mới, ngày càng phát triển bền vững.