“Tắt” thanh khoản, thị trường trượt dốc
Giao dịch gần như ngưng trệ trong phiên sáng nay khi thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết rơi xuống mức 4.590 tỷ đồng, thấp kỷ lục từ cuối tháng 10/2023. Hiệu ứng giảm sức mua đã khiến cổ phiếu đỏ la liệt, với khoảng 37% số cổ phiếu sàn HoSE giảm quá 1% giá trị...
Giao dịch gần như ngưng trệ trong phiên sáng nay khi thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết rơi xuống mức 4.590 tỷ đồng, thấp kỷ lục từ cuối tháng 10/2023. Hiệu ứng giảm sức mua đã khiến cổ phiếu đỏ la liệt, với khoảng 37% số cổ phiếu sàn HoSE giảm quá 1% giá trị.
Nhà đầu tư có vẻ càng ngày càng thận trọng sau nhịp tăng tích cực vừa rồi, nhất là khi hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh. Rổ VN30 dao động rất hẹp với chỉ số đại diện có biên độ tối đa chỉ 0,48%. VN-Index dao động tối đa cũng chỉ 0,47%.
Các chỉ số hiện vẫn được sự “co kéo” của một số cổ phiếu lớn nên thay đổi rất nhỏ. VCB tăng 0,45%, BID tăng 0,21%, VHM tăng 0,94%, VIC tăng 0,37% VNM tăng 0,27% đang nỗ lực cân bằng với GAS giảm 0,12%, FPT giảm 0,85%, HPG giảm 0,39%, TCB giảm 0,94%, GVR giảm 1,95%, MSN giảm 1,05%. Với VN30-Index, HDB tăng 1,74% cũng đang bị triệt tiêu bởi MWG giảm 1,65%.
Sự giằng co này chỉ giúp được cho chỉ số, còn cổ phiếu đa phần biến động mạnh hơn và giảm nhiều hơn. VN-Index chốt phiên sáng chỉ mất 0,36% tương đương -4,46 điểm, VN30-Index giảm 0,31%, nhưng có tới 123 cổ phiếu đang giảm quá 1%, tương đương 37% số mã có giao dịch ở HoSE. Mặc dù thanh khoản quá thấp thể hiện áp lực bán không lớn, nhưng rõ ràng với biên độ điều chỉnh như vậy cũng cho thấy sức mua thật sự tệ.
Dòng tiền suy giảm từ rất sớm và trọn phiên sáng độ rộng VN-Index luôn thể hiện sự áp đảo từ phía đỏ. Ngay từ lúc 9h30 sàn HoSE đã chỉ có 78 mã tăng/185 mã giảm. Đến 10h30 là 84 mã tăng/257 mã giảm và chốt phiên sáng là 88 mã tăng/285 mã giảm. Như vậy số cổ phiếu xanh gần như không thay đổi, chỉ là giá co giãn trong vùng đỏ nhiều hay ít mà thôi.
Hiện thanh khoản của nhóm giảm sâu hơn 1% đang chiếm khoảng 46,3% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Top 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất của nhóm này là MWG giảm 1,65% khớp 234,9 tỷ đồng; DIG giảm 1,13% khớp 206 tỷ; DGC giảm 2,97% với 151,4 tỷ; SSI giảm 1,43% với 143,6 tỷ và HSG giảm 2,7% với 107,1 tỷ.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ở nhịp tăng vừa rồi có lợi thế thanh khoản hạn chế, lúc này đang chịu tác động ngược. Do dòng tiền quá nhỏ trong khi nhu cầu bán ra áp đảo, biên độ giảm ở nhiều mã rất sâu. Tiêu biểu có thể kể tới CSV giảm 5,96%, BFC giảm 4,49%, NTL giảm 3,43%, APH giảm 3,41%, SMC giảm 3,38%, TDC giảm 3,31%, HNG giảm 3,21%, GEG giảm 3,1%... Chỉ số Smallcap chốt phiên sáng đang giảm tới 0,92% với 35 mã tăng/116 mã giảm. Midcap giảm 0,82% với 12 mã tăng/54 mã giảm. VN30 lại khá nhất, chỉ giảm 0,31% với 8 mã tăng/16 mã giảm.
Các cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay không chỉ ít về số lượng (88 mã) mà còn rất hiếm cổ phiếu có được dòng tiền tốt. HDB là blue-chips duy nhất đáng kể với mức tăng giá 1,74% thanh khoản 117,2 tỷ đồng. Ngoài ra lác đác vài cổ phiếu là HHV tăng 2,69% với 52,6 tỷ; LCG tăng 1,92% với 22,3 tỷ; HDG tăng 0,95% với 49,9 tỷ, còn lại đều chỉ khớp lẻ tẻ vài trăm triệu tới vài tỷ đồng thanh khoản.
Khối ngoại hiện ghi nhận mua ròng 52,1 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng cũng bán ròng gần 20 tỷ ở HNX và UpCOM. Quy mô giải ngân cũng tương đương sáng hôm qua, đạt khoảng 587,8 tỷ đồng ở HoSE nhưng bán ra giảm 13% còn 535,7 tỷ. Chỉ có vài mã được mua ròng đáng kể là VNM +48 tỷ, FPT +40,9 tỷ, HDB +21,6 tỷ. Bên bán cũng chỉ 3 mã là VHM -42,7 tỷ, TCB -32,8 tỷ, MWG -22 tỷ.
Cả VN-Index và VN30-Index vẫn đang phản ứng thận trọng với mức trung bình 20 phiên (MA20) và áp lực chốt lời nhỉnh hơn sức mua. Thanh khoản đã suy yếu liên tục sang phiên thứ 4 liên tiếp khi các chỉ số va chạm với ngưỡng kháng cự kỹ thuật này. Dù vậy biên độ dao động quá hẹp cho thấy vẫn chưa có sự dứt khoát áp đảo từ bên bán.