Tây Nguyên: Cơ hội và xu hướng đầu tư bất động sản năm 2024
Năm 2024, thay vì tập trung vào dự án có tính mạo hiểm, xu hướng của các nhà đầu tư đang chuyển dịch qua phân khúc đất nền, sổ sẵn và đất nông nghiệp diện tích lớn…
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng đều đang tích cực xúc tiến đầu tư trong năm 2024.
Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã công bố chương trình xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư chiến lược cả trong lẫn ngoài nước, nhất là đối với dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tập trung vào sự tiết kiệm tài nguyên và thân thiện môi trường. Tỉnh dự kiến sẽ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, nhằm đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn. Hiện, danh mục đầu tư của Kon Tum giai đoạn 2021-2025 gồm 69 dự án nông, lâm nghiệp; 14 dự án công nghiệp; 43 dự án văn phòng - thương mại - dịch vụ - du lịch; 31 dự án phát triển đô thị.
Tương tự, Đắk Nông là một tỉnh khác tại Tây Nguyên cũng vừa công bố danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2024 với tổng vốn 3.045 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án. Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất rà soát, hoàn thiện pháp lý để thu hút đầu tư cho 44 dự án tiềm năng ở giai đoạn tiếp theo, tổng vốn ước khoảng 290.279 tỷ đồng.
Trong khi tại Lâm Đồng, năm 2024, tỉnh một mặt sẽ chú trọng xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư lớn trong nước là: Vingroup, Sungroup, Sovico, Him Lam... Mặt khác, tiếp tục mời gọi đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ cao. Tỉnh cho biết đặc biệt ưu tiên những tập đoàn đa quốc gia liên kết cùng doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Theo Vars, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển và lao vào vòng xoáy khủng hoảng. Nhà đầu tư dù có tài sản nhưng thanh khoản kém, khiến dòng tiền bị “ngưng đọng”. Bởi vậy, thay vì đầu tư vào dự án có tính mạo hiểm, năm 2024, nhà đầu tư đang chuyển dịch qua phân khúc đất nền, sổ sẵn và đất nông nghiệp diện tích lớn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Trung, Trưởng ban phát triển hội viên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Gia Lai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lộc Trung Tín, nhấn mạnh: “Khi đầu tư ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cần lưu ý mỗi tỉnh Tây Nguyên có điều kiện, định hướng khác nhau về kinh tế chính trị nên không thể đem mô hình tỉnh này làm ở tỉnh kia. Do đó, phải nghiên cứu kỹ trước khi quyết định”.
Ông Trung đánh giá động lực giúp thị trường bất động sản Tây Nguyên ổn định, phát triển trong năm 2024 và tương lai, chính là chính sách và quy hoạch từng tỉnh.
Đặc biệt, khi một số luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 chắc chắn đem lại nhiều tác động tích cực cho thị trường bất động sản khu vực Tây Nguyên. Nhất là liên quan đến đất nông nghiệp khi được sử dụng nhiều mục đích, vì Tây Nguyên đa phần quy hoạch đất nông nghiệp và có điều kiện thời tiết mát mẻ quanh năm. Nếu kết hợp tốt, có thể tạo ra một cú hích lớn ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, còn các quy định về phân lô bán nền cũng giúp thị trường bất động sản bớt đi những sản phẩm “chết”. Chủ đầu tư lúc này vì xây nhà để bán nên sẽ nghiên cứu kỹ nhu cầu sử dụng thực và tạo ra sản phẩm đưa vào sử dụng ngay, khác với trước đây phân ra bán, người mua không sử dụng mà chỉ chờ lên giá để bán lại nên tạo thành “dự án ma”.