Techcombank dẫn đầu ngành về tỷ lệ casa ở mức 49%, lợi nhuận đạt 17,1 nghìn tỷ
Mặc dù thu nhập từ dịch vụ trong Quý 3 có bị ảnh hưởng do tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng Techcombank vẫn duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dẫn đầu ngành, lần lượt đạt mức 49,0% và 3,8%; Lợi nhuận trước thuế (PBT) đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 59,6% so với cùng kỳ năm trước…
Kết quả tài chính 9 tháng của Techcombank đã tiếp tục chứng minh sự vững vàng của chiến lược “Khách hàng là trọng tâm” cũng như thể hiện năng lực thực thi chiến lược, điều hành hoạt động của Ngân hàng trong làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
THU HÚT THÊM 870.000 KHÁCH HÀNG MỚI, NÂNG TỔNG SỐ KHÁCH HÀNG LÊN 9,2 TRIỆU
Mặc dù thu nhập từ dịch vụ trong quý 3 có bị ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế giảm sút và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và lợi thế chi phí vốn thấp. Đồng thời, Techcombank vẫn kiên trì vượt qua các thách thức, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số, dữ liệu và nhân tài để tạo đà tăng trưởng nhanh hậu Covid.
Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 870 nghìn khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 456 triệu giao dịch (tăng 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái).
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 59,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 155 nghìn tỷ đồng trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ Casa đạt 49% tại thời điểm 30.9.2021, tăng so với mức 46,1% của quý 2/2021, do Techcombank đẩy mạnh các gói sản phẩm dịch vụ tiền gửi và giao dịch.
“Quý 3 năm nay, chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP quý thấp nhất kể từ năm 2000. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài và kinh tế bị gián đoạn, trọng tâm hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo cho cán bộ nhân viên được an toàn, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tiếp tục đẩy nhanh các giải pháp số hóa và từ xa để tiếp tục cung cấp dịch vụ tới khách hàng theo cách an toàn, hiệu quả nhất có thể.
Chúng tôi tin rằng với nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng tại các trung tâm kinh tế, sản xuất trên cả nước bao gồm Hà Nội và Tp.HCM, thời điểm khó khăn nhất đã qua đi và Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch. Với vị thế tài chính vững chắc Techcombank sẵn sàng và tự tin tiếp tục là đối tác tài chính tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi nền kinh tế từ quý 4 năm 2021”, Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner, cho hay.
HƠN 11,5 NGHÌN TỶ DƯ NỢ ĐÃ ĐƯỢC TÁI CẤU TRÚC CHO KHÁCH HÀNG
Techcombank cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II và cung cấp bộ đệm cần thiết cho tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Dù làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các khách hàng của Techcombank nói riêng, nhưng Ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức 0,6% do đã chủ động đánh giá, tái cấu trúc nợ từ khi đại dịch mới bắt đầu vào năm ngoái.
Trong hoàn cảnh nhiều bất ổn và biến động, Techcombank vẫn duy trì quan điểm thận trọng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 3 năm 2021 ở mức cao 184%, giảm so với mức 259% cuối quý 2, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 148% cùng kỳ năm ngoái. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 duy trì ổn định, đạt mức 2,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,9% dư nợ.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11,5 nghìn tỷ dư nợ đã được Ngân hàng tái cấu trúc cho khách hàng. Ngân hàng cũng đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021. Để giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, Techcombank đã đóng góp hơn 420 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như ủng hộ quỹ vắc-xin, trang thiết bị y tế, đóng góp xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 cũng như hỗ trợ trực tiếp tới các bệnh nhân và gia đình của họ.
Năm 2021, Techcombank được xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất trong số các ngân hàng ở Việt Nam với xếp Ba3, triển vọng Tích cực và là ngân hàng duy nhất chỉ bị hạn chế bởi mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ Moody’s. S&P xếp hạng Techcombank ở mức BB-, triển vọng Ổn định. Ngân hàng cũng được Euromoney trao giải “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2018, 2021 và được FinanceAsia vinh danh “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2020, 2021.
Trong quý 3 năm 2021, Techcombank đã được trao tặng danh hiệu “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam” từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và được HR Asia trao giải “Nơi làm việc tốt nhất tại Châu Á” trong hai năm liên tiếp. Techcombank cũng là ngân hàng được The Asian Banker vinh danh “Ngân hàng thanh toán xuất sắc nhất Việt Nam” và “Ngân hàng giao dịch được yêu thích nhất Việt Nam”.