Tesla đang "chống lại" ngành công nghiệp ô tô Mỹ?
Tesla được cho đang chống lại phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô Mỹ liên quan tới các yêu cầu về Tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu trung bình của doanh nghiệp (CAFE) được đặt ra vào năm 2016...
Theo CAFE, các nhà sản xuất ô tô phải đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu cao hơn cho các loại xe mà họ bán ở Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt.
Các hình phạt đã được thiết lập để tăng gấp đôi trong năm 2021 theo một quy tắc thời cựu Tổng thông Obama, nhưng chính quyền Trump đã đóng băng các hình phạt này trong vài ngày trước khi rời nhiệm sở.
Bộ luật được đưa ra trong năm 2011 dưới chính quyền Obama. Mục tiêu là đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu trung bình 4,3 lít/100km vào năm 2022.
Các chỉ số của CAFE được tính toán khác nhau nên mục tiêu 4,3 lít/100km sẽ tương đương mức 6,5 lít/100km theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Vào cuối năm 2016, EPA đã quyết định giữ nguyên các tiêu chuẩn tới tháng 4/2018.
Nhưng NHTSA, cơ quan phụ trách CAFE, đã xem xét việc đảo ngược hành động của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Nguồn tin của Reuters cho hay Tesla đã gặp NTHSA vào tháng trước nhằm xúc tiến một số nội dung liên quan.
Bản ghi nhớ của Chính phủ Mỹ tiết lộ, Tesla đề nghị NHTSA rút lại các hành động của chính quyền Trump ngay lập tức, vì cho rằng nó "tạo ra sự không chắc chắn liên tục trong các khoản đầu tư và giao dịch trong toàn ngành. Sự chậm trễ có tác động xấu đến thị trường tín dụng cho đến khi vấn đề được giải quyết”.
Trong khi đó, một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất ô tô lớn bao gồm General Motors, Toyota Motor, Ford Motor và Volkswagen, đã yêu cầu tòa án từ chối yêu cầu của Tesla.
“Việc Tesla có thể được hưởng lợi từ giá trị của các khoản tín dụng CAFE mà họ đã tích lũy được không phải là lý do để cắt bỏ một quy trình hành chính đang diễn ra”, nhóm các công ty nhấn mạnh trong văn bản gửi tòa án.
Các hãng này không nói rằng họ chống lại các yêu cầu tiết kiệm nhiên liệu cao hơn, nhưng họ không muốn NTHSA đảo ngược quá nhanh vì họ có thể phải trả một khoản tiền phạt không nhỏ. Một số nhà sản xuất ô tô nói rằng nó có thể khiến họ tiêu tốn hàng tỷ USD để mua tín dụng carbon.
Thực tế, tín dụng CO2 là một loại tín dụng có thể mua bán được giữa các nhà máy, các hãng xe với nhau. Bắt nguồn từ việc nhà cung cấp tín dụng CO2 này đã vượt qua nhiều bài test kiểm định khí thải và dư thừa mức CO2 cho phép.
Việc các hãng không đủ tiêu chuẩn khí thải mua các suất tín dụng CO2 này có thể giúp rất nhiều cho việc sản xuất, đăng kiểm xe ở một số quốc gia trên thế giới.
Tesla hiện đang thống trị thị trường xe điện Mỹ với hơn 2/3 số lượng xe chạy bằng điện được bán tại nước này.
Điều đó đồng nghĩa với việc Tesla có nhiều tín dụng carbon hơn bất kì hãng nào, nhưng chúng ít có giá trị hơn rất nhiều kể từ khi chính quyền của Trump cắt giảm các hình phạt.