Thanh Hóa triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm
Trong bối cảnh nền kinh tế đang nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm.
Theo thống kê, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20 doanh nghiệp phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với khoảng 7.000 người do thiếu đơn hàng.
KHÓ KHĂN KHIẾN NHIỀU DOANH NGHIỆP “QUÊN” BẢO HIỂM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Một số công ty phải cắt giảm lao động, thậm chí ngừng hoạt động như Công ty TNHH TCE Jeans tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa vừa qua cắt giảm 1.800 công nhân (công ty có 5.000 công nhân); Công ty TNHH Fruit Of the Loom tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương cắt giảm 900 công nhân trong tổng số 3.200 công nhân; Công ty TNHH T&H Newstar tại phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa và Công ty TNHH ABC phường Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng.
Trong 15 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoa Lợi có tổng số hơn 110.000 công nhân (chiếm 66% số lao động làm việc trong 36 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa), nhiều tháng qua do số đơn hàng giảm khoảng 50% nên không tổ chức tăng ca, khiến thu nhập của công nhân giảm từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi đơn hàng giảm, nhiều lao động mất việc, làm phát sinh nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, chậm trả phúc lợi cho người lao động gia tăng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, tỉnh này đang có hơn 3.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền hơn 466 tỷ đồng, trong đó hàng trăm đơn vị “chây ỳ”, nợ từ 12 tháng trở lên, nhiều đơn vị phá sản, giải thể, khó thu hồi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp đình công, tập trung đông người trái pháp luật, gây rối an ninh, trật tự.
Chia sẻ với VnEconomy, chị Lê Thị Thủy (34 tuổi) quê tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, cho biết: “Đã gần 10 năm tôi xuống làm công nhân ở Khu công nghiệp Lễ Môn (TP.Thanh Hóa), nhưng chưa khi nào tôi thấy thu nhập bị giảm sút như thời gian vừa qua. Thời điểm này, công ty giảm đơn hàng khiến hầu hết chúng tôi đều không tăng ca và giảm giờ làm, kéo theo đó là thu nhập cũng giảm mạnh. Trước đó, mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 8 triệu đồng, song thời gian qua chỉ còn trên 5 triệu đồng/tháng”.
Trước tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm, ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương cần tăng cường theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động. Đặc biệt quan tâm đối với người lao động mất việc làm hoặc có việc làm không ổn định trở về từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được tiếp cận tìm kiếm việc làm tại địa phương và đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm tại ngân hàng chính sách xã hội. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát người lao động tại địa phương bị mất việc làm trong doanh nghiệp, có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm; chủ động cung cấp danh sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp để cân đối, bố trí nguồn vốn, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn.
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM MỚI CHO HƠN 4.300 LAO ĐỘNG
Phía Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cũng đã chủ động, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như: Chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, xây dựng phương án sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm… Đồng thời thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật lao động. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn cắt giảm hoặc cho thôi việc nhiều người lao động để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến.
Trước những hoạt động tích cực trên, chỉ trong tháng 1 năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho 4.330 lao động. Trong đó, có 506 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đồng thời, chỉ trong tháng 1 năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm, với 24 lượt doanh nghiệp tham gia và gần 2.200 lượt lao động đăng ký tuyển dụng; hướng dẫn hơn 1.500 lao động hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa còn cung cấp thông tin về thị trường lao động và các chính sách liên quan cho 8.400 lượt người lao động; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho 4.370 lượt lao động. Cấp mới 71 giấy phép lao động, cấp lại 5 giấy phép lao động và gia hạn 29 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn; tiếp nhận hơn 2.100 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm; trợ cấp thất nghiệp cho 2.178 người.