Thanh Hóa: Vì sao kết quả đấu giá quyền sử dụng đất chỉ hoàn thành 40% kế hoạch?

Thiên Anh
Chia sẻ

Năm 2022, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch. Đó là thông tin trong văn bản của Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị phê duyệt Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh này...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 708 dự án (MBQH) với tổng diện tích đất đấu giá 720,7 ha; số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 16.660 tỷ đồng (trong đó, số tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 9.945,9 tỷ đồng).

VÌ SAO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHỈ HOÀN THÀNH 40% KẾ HOẠCH?

Trong năm đã thực hiện đấu giá 223 dự án với tổng diện tích đất 89,5 ha; tổng số tiền trúng đấu giá 6.794,4 tỷ đồng, bằng 40,8% kế hoạch. Các địa phương có số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất lớn là: huyện Quảng Xương (1.263,4 tỷ đồng), huyện Hoằng Hóa (775,7 tỷ đồng), thành phố Sầm Sơn (709,5 tỷ đồng), thị xã Nghi Sơn (689,5 tỷ đồng).

Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa thực hiện theo danh mục dự án được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh Ban hành Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất toàn tỉnh tính đến ngày 05/12/2022 là 6.794,4 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch của UBND tỉnh. Hầu hết, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất mới chỉ tổ chức đấu giá một phần trong danh mục dự án đấu giá được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai tổ chức đấu giá theo kế hoạch được duyệt để mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.

Trong văn bản của mình, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến công tác đấu giá đất trên địa bàn không hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Trình tự, thủ tục triển khai các bước có liên quan đến công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước thời gian bị kéo dài. Các dự án phải hoàn thành nhiều bước, nhiều thủ tục mới đưa quỹ đất ra đấu giá như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; lập, phê duyệt mặt bằng quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; chấp thuận chủ trương đầu tư; xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá... Do đó tiến độ thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất những tháng đầu năm chậm do chưa hoàn tất các thủ tục để đưa quỹ đất ra đấu giá.

Việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do người có đất bị thu hồi không thống nhất với phương án, mức giá đền bù do đó không thể đưa quỹ đất ra đấu giá. Việc bố trí nguồn vốn cho bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá còn hạn chế.

Một số địa phương chưa rà soát kỹ quỹ đất để bảo đảm tính khả thi dẫn đến việc đăng ký kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất cao hơn so với khả năng thực tế thực hiện; khi lập quy hoạch cho các khu đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất các địa phương chưa rà soát bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng tiết kiệm hiệu quả quỹ đất dẫn đến phải rà soát lại, làm chậm tiến độ công tác đấu giá.

Một số huyện miền núi có địa bàn dân cư vùng sâu vùng xa phân bố rải rác, nhu cầu đất ở chưa nhiều, chủ yếu san tách từ hộ gốc bố mẹ cho con cái. Giá đất ở các mặt bằng nhỏ hẹp, xen kẹp trong khu dân cư khu vực miền núi thấp trong khi phải đầu tư kinh phí lập quy hoạch chi tiết dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc tính hiệu quả của dự án sau khi trừ các chi phí.

Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều này gây không ít khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

THU HƠN 25.000 TỶ TỪ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CÓ KHẢ THI?

Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp, rà soát báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với 957 dự án (MBQH) (gồm dự án chuyển tiếp và dự án mới); tổng diện tích đất dự kiến đấu giá 1.042,2 ha; tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 25.040,5 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất thu được (sau khi trừ chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật) là 16.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành kế hoạch tham vọng này, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, UBND tỉnh chỉ đạo các phòng ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương hoàn thành các bước theo quy định để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; Rà soát lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, lập mặt bằng quy hoạch chi tiết khu dân cư, công tác bồi thường GPMB và các nội dung khác có liên quan đối với từng dự án đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành mới được tổ chức đấu giá.

Thứ hai, người đứng đầu địa phương, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất chịu trách nhiệm giám sát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phạm vi của mình đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Thứ ba, lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá phải có kinh nghiệm, năng lực tốt và việc tổ chức thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con