Thanh Hóa xử lý nhiều cơ sở thẩm mỹ "chui"
Các cơ sở làm đẹp trên địa bàn Thanh Hóa xuất hiện tình trạng hoạt động "chui", thực hiện các thủ thuật y khoa xâm lấn cơ thể mà không thuộc phạm vi cho phép. Chính vì vậy, Sở Y tế Thanh Hoá đã ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm...
Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 cơ sở thẩm mỹ với tổng số tiền 90 triệu đồng; đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng đối với các cơ sở này.
Theo đó, bà Đỗ Thị Tâm, chủ cơ sở thẩm mỹ MAYO, địa chỉ 45-47 Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa bị phạt với số tiền 45 triệu đồng vì thực hiện hành vi vi phạm hành chính cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ sở còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 5/9/2023 đến 5/3/2025).
Tiếp đến, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Phương, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Savina (Phương Japan), có địa chỉ tại tầng 3, PG2-01, Khu đô thị Vincom, đường Nguyễn Du, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa, với số tiền 45 triệu đồng.
Cơ sở này cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép. Ngoài ra, thẩm mỹ viện Savina còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 7/9/2023 đến 7/3/2025).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 21/27 huyện, thị xã, thành phố tổng số cơ sở được rà soát, kiểm tra: 591 cơ sở. Qua kiểm tra, UBND huyện Vĩnh Lộc đã xử lý vi phạm hành chính 01 cơ sở hình thức phạt tiền, số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi không niêm yết công khai giá dịch vụ, UBND huyện Thọ Xuân đang tiến hành xử lý 5 cơ sở vi phạm.
Ghi nhận tại thành phố Thanh Hóa, trong những năm qua, mạng lưới cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập ngày càng phát triển cả về số lượng và loại hình hoạt động, góp phần đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trên địa bàn thành phố này có hơn 800 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó có có gần 100 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó vẫn còn tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động khi chưa thông báo đủ điều kiện về cơ quan chức năng có thẩm quyền, thực hiện các thủ thuật y khoa xâm lấn cơ thể mà không thuộc phạm vi cho phép…
Theo đại diện Sở Y tế Thanh Hóa, số lượng các cơ sở thẩm mỹ ngày một phát triển “nở rộ” trên địa bàn, trong khi đó đội ngũ nhân sự về quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế lại mỏng đã khiến công tác quản lý đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động không cần phải cấp giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý (chỉ cần gửi thông báo cơ sở đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ về Sở Y tế).
Bên cạnh đó, các cơ sở này thường hoạt động dưới hình thức đăng ký là spa, cắt tóc, gội đầu dưỡng sinh, massage… Việc quảng cáo dịch vụ quá phạm vi chuyên môn cho phép qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… gây khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra và giám sát. Trong khi đó, khách hàng không tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ trước khi sử dụng dịch vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa hiệu quả…, dẫn đến các cơ sở dù bị xử lý vẫn tiếp tục vi phạm.
Trong thời gian Sở Y tế Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và phối hợp với cơ quan báo chí, các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, đảm bảo người dân được cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng.