Thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Chính phủ đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình này...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội đã nghe Tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
ĐỀ XUẤT 8 CƠ CHẾ ĐẶC THÙ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại các Nghị quyết số 100; Nghị quyết số 108, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Trong đó, Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù tại Điều 4 gồm: (1) Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm; (2) Điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia; (3) Ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.
(4) Sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; (5) Quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) Ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.
(7) Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (8) Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân.
HAI PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Đáng chú ý, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện cơ chế thí điểm, trong đó ưu tiên huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; có nhiều điển hình cách làm hay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đạt trên 70%. Tổng số huyện được lựa chọn thí điểm không quá 50% số đơn vị cấp huyện tại địa phương.
Nội dung phân cấp gồm: Cấp tỉnh quyết định phân bổ, giao dự toán, kế hoạch vốn cho huyện thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình (không phân biệt theo chương trình); Cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng chương trình, dự án thành phần, danh mục dự án đầu tư công.
Chính phủ cho rằng, quy định cơ chế thí điểm như Phương án 1 để làm cơ sở định hướng cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 sẽ đảm bảo tính thận trọng; không làm xáo trộn các kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm đã được Quốc hội quyết nghị.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như đề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP của Chính phủ. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025.
Trong đó, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh: Phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch, dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao; Cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc điều chỉnh đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho người dân.
Việc sử dụng từng loại nguồn vốn (chi đầu tư, chi thường xuyên) sau khi được điều chỉnh phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc thực hiện thí điểm theo các đề xuất như tại Phương án 2 sẽ làm phát sinh những bất cập như: Địa phương phải mất thời gian xây dựng, ban hành một số quy định cụ thể, dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thực hiện; có thể xảy ra tình trạng địa phương chỉ ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, không ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ người dân; làm thay đổi cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết nghị.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, việc thực hiện chính sách này là triển khai nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 100/2022/QH15.
Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.
Hội đồng Dân tộc cho rằng, với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.
Có ý kiến cho rằng cũng nên cân nhắc đối với sự cần thiết thực hiện chính sách này, vì hiện nay thời gian thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất ngắn và các đánh giá tác động chưa được đầy đủ. Vì vậy, có thể quy định nguyên tắc để thực hiện cho giai đoạn sau.
Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 18/1/2024 cho đến khi có quy định mới. Cơ chế, chính sách quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết để điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn hằng năm không áp dụng đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, để tháo gỡ một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.