Thị phần Apple đạt đỉnh tại Trung Quốc: cứ 4 thiết bị di động bán ra thì có 1 chiếc iPhone
Apple đã thành công trở thành nhà sản xuất thiết bị gốc (Original Equipment Manufacturer - OEM) hàng đầu tại Trung Quốc trong tháng thứ hai liên tiếp từ tháng 10/2022. Cùng tháng, thị phần của nhà sản xuất iPhone đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay ở quốc gia tỷ dân…
Một báo cáo của Counterpoint Research nhấn mạnh, trong tháng 10/2022, cứ 4 thiết bị được bán ra ở Trung Quốc thì có 1 chiếc điện thoại iPhone. Gã khổng lồ công nghệ đã chiếm 25% thị phần smartphone tại Trung Quốc trong suốt hai tháng gần đây nhờ dòng iPhone 14 mới ra mắt. Tháng 10 đánh dấu tháng đầu tiên dòng iPhone 14 ra mắt. Ngay lập tức, iPhone 14 Pro Max trở thành thiết bị bán chạy nhất tại Trung Quốc, tiếp theo là iPhone 14 Pro.
Rõ ràng, Apple đã đạt đến tầm cao mới về thị phần tại Trung Quốc trong hai năm qua. Dòng iPhone 14 đã khởi đầu tốt với iPhone 14 Pro và Pro Max. iPhone 13 cũng tiếp tục hoạt động tốt, vì iPhone 14 có ít sự khác biệt so với iPhone 13. Thêm vào đó, nhà phân tích cấp cao Varun Mishra cho biết: "Mức độ phổ biến của dòng iPhone Pro không chỉ gia tăng ở Trung Quốc. Dòng sản phẩm này cũng vô cùng phát triển ở các thị trường trọng điểm khác như Mỹ".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lo ngại về hoạt động sản xuất của Apple bị gián đoạn gần đây, ngay trước kỳ nghỉ lễ. Counterpoint Research đã chỉ ra thời gian giao hàng cho iPhone 14 Pro và Pro Max bị trì hoãn đáng kể. Khách hàng đã đặt mua điện thoại có thể phải đợi tới 37 ngày để nhận được hàng.
Thậm chí một số báo cáo chỉ ra rằng tình trạng bất ổn diễn ra tại nhà máy Foxconn của Apple có thể dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong sản lượng iPhone cuối năm. Kết quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Foxconn Technology Group, công ty Đài Loan vận hành cơ sở này, có thể đưa người lao động trở lại dây chuyền lắp ráp nhanh như thế nào sau các cuộc biểu tình bạo lực chống lại chính sách hạn chế Covid. Nếu các biện pháp phong tỏa tiếp tục diễn ra trong những tuần tới, công ty có thể không phục hồi được hoạt động sản xuất.
Nói tóm lại, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn đối với nhà sản xuất iPhone tại thị trường Trung Quốc. Có lẽ, như các chuyên gia nhận định, đó là những hệ lụy của việc chuỗi sản xuất phụ thuộc phần lớn vào quốc gia này. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã không còn là “cơ sở sản xuất lý tưởng” cho các gã khổng lồ công nghệ.
Bài viết của Reuters chỉ ra rằng tính đến năm 2019, Trung Quốc là địa điểm sản xuất chính cho các nhà cung cấp, chiếm 47% thị phần, nhưng con số này đã giảm xuống còn 41% vào năm 2020 và 36% vào năm 2021. Dữ liệu cũng cho thấy nỗ lực đa dạng hóa sản xuất của Apple với các khoản đầu tư vào Ấn Độ và Việt Nam cũng như tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ Đài Loan, Hoa Kỳ và một số địa điểm khác, từ đó định hình lại cấu trúc nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng của Apple trong một vài năm tới, bao gồm cả hoạt động sản xuất và mua bán.