Thị trường ấm dần lên, môi giới nhà đất rục rịch trở lại
Thị trường bất động sản “đóng băng” thanh khoản vào giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023, khiến môi giới bỏ nghề ồ ạt, nhiều doanh nghiệp và sàn giao dịch cũng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, khi thị trường ấm lên, không ít môi giới tiếp tục quay trở lại và đầu quân cho các công ty bất động sản đang cần tuyển dụng nhân sự…
Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) vừa công bố cho thấy, dù tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển ngành từng trên mức 30%, nhưng tại thời điểm khảo sát (quý 1/2024) có 13% môi giới bỏ việc đã quay lại ngành và 55% môi giới bỏ việc dự kiến sẽ tham gia vào thời gian tới.
NHÂN SỰ PHỤC HỒI NHANH
Cũng theo DXS-FERI, với số lượng hơn 900 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới của quý 1/2024; hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại thị trường, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngưng hoạt động đạt khoảng 2,9%, thấp hơn nhiều so mức sụt giảm mạnh cùng kỳ quý 1/2023 là 30,2%. “Tỷ lệ nhân sự ở lĩnh vực bất động sản được đánh giá thuộc nhóm những ngành phục hồi nhanh, bao gồm cả nhân sự môi giới và nhân sự chuyên môn nghiệp vụ, do số lượng doanh nghiệp bất động sản dần tăng lên”, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS-FERI, cho biết.
Thực tế, trên các sàn môi giới hiện nay đang rầm rộ khởi động cuộc đua săn lùng nhân sự với nhiều hoạt động cạnh tranh bằng những chế độ, mức lương cứng cùng hoa hồng hấp dẫn, nhằm mục đích tăng quy mô để có đủ nguồn lực giúp mở rộng thị trường và thị phần.
Các sàn của chủ đầu tư hiện đứng đầu cuộc đua này bằng việc đưa ra hàng loạt chính sách lương và phúc lợi tốt, nhấn mạnh vào sự đột phá cùng sự khác biệt. Còn doanh nghiệp môi giới truyền thống thu hút nhân sự bằng chính sách, chế độ thưởng nóng, hỗ trợ trong hoạt động marketing, văn hóa doanh nghiệp thân thiện và môi trường làm việc năng động. Những doanh nghiệp chuyên về môi giới thứ cấp, leasing và dịch vụ liên quan thì liên tục mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm cơ hội gia nhập nghề cho môi giới bất động sản.
Khảo sát cho thấy một số đơn vị rất tích cực triển khai kế hoạch tuyển dụng, điển hình là: Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Khôi (DKRS) vừa thông báo cần 5 trưởng phòng kinh doanh, 50 chuyên viên tư vấn bất động sản cấp cao. Ở mỗi vị trí, DKRS có mức đãi ngộ khác nhau. Cụ thể ở mức lương trưởng phòng sẽ lũy tiến theo bậc: 10 triệu đồng - 13 triệu đồng - 15 triệu đồng - 18 triệu đồng/tháng. Thưởng hiệu quả kinh doanh từ 3% đến 7,5%; thưởng nóng hấp dẫn; được tặng nhà, hoặc mua nhà ưu đãi theo chính sách là nhân viên của công ty; Thưởng Tết Âm lịch giao động từ 1 đến 6 tháng tiền lương thỏa thuận… Bên cạnh đó, chuyên viên tư vấn bất động sản hưởng mức lương cơ bản 15 triệu/tháng, không áp doanh số; hoa hồng từ 35 – 45% doanh thu; thưởng nóng 50 triệu đồng - 100 triệu đồng/sản phẩm và nhận ngay.
Tương tự, Bất động sản Thiên Khôi cũng có Chương trình tuyển dụng và đào tạo môi giới năm 2024 mới nhất với số lượng : Sài Gòn 80 nhân sự; Thủ Đức 60 nhân sự; Hà Nội 100 nhân sự. Theo đơn vị, thu nhập trung bình sẽ từ 30 triệu – 60 triệu đồng/tháng khi có nghề và không giới hạn thu nhập. Hoa hồng chia ngay khi phát sinh giao dịch là 3 - 5% mỗi thương vụ, đồng thời thưởng trong từng vụ chốt.
Theo chuyên gia DXS-FERI, các công ty môi giới nhà đất lớn vẫn tiếp tục đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên, để sẵn sàng “đón sóng” tăng trưởng mới của thị trường. Số lượng người ứng tuyển nhân viên kinh doanh bất động sản đang tăng lên, nhờ chiến dịch tuyển dụng nhân lực mạnh mẽ từ các chủ đầu tư, đại lý dự án.
“Việc thị trường bước qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng của khách hàng đã quay trở lại, thanh khoản gia tăng, một số công ty bất động sản đồng loạt tuyển quân với số lượng không nhỏ, chính là liều kích thích quan trọng tạo sức mạnh và hứng khởi, giúp thị trường bật dậy mạnh mẽ, đón đầu vận hội mới trong chu kỳ tiếp theo”, ông Khôi bình luận.
YÊU CẦU NGÀY CÀNG KHẮT KHE
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lưu ý để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, cần cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án bất động sản, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch, đồng thời, bảo vệ lợi ích của người hành nghề, khuyến khích môi giới làm nghề chân chính. Bởi để gắn bó lâu dài với thị trường, ngoài chứng chỉ hành nghề, môi giới cần kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức với yêu cầu ngày càng khắt khe.
Theo ông Đính, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được thông qua có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, đã ghi nhận nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới bất động sản. Cụ thể, Điều 61 của Luật quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Điều này đồng nghĩa việc cá nhân không được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập).
Thêm vào đó, khoản 1 Điều 62 quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được hưởng tiền thù lao, hoa hồng từ sàn giao dịch bất động sản, hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam