Thị trường xe Việt: Bán ô tô kiểu “bia kèm lạc”, khi nào mới chấm dứt?
“Bia kèm lạc” lâu này đã là một cụm từ quen thuộc với thị trường ô tô Việt vào những thời điểm khi lượng đặt hàng nhiều, xe về ít, các đại lý sẽ tung ra các chiêu quen thuộc để yêu cầu khách muốn nhận xe sớm phải mua các gói đi kèm nhằm tối đa lợi nhuận...
Nhức nhối tình hình mua ô tô theo kiểu “bia kèm lạc”
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 3/2022 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu vào Việt Nam đạt 10.331 xe các loại tương đương tổng giá trị hơn 234 triệu USD. So với tháng 2.2022, lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng 12,9% tương đương khoảng 1.200 xe. Giá trị nhập khẩu ô tô trong tháng 3/2022 cũng tăng 10,4% so với tháng trước. Cộng dồn 3 tháng trong quý 1/2022 lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam sụt giảm.
Thực tế, với các dòng xe mới ra mắt như Toyota Raize, Toyota Veloz Cross… nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam nhưng vẫn không đủ để đáp ứng như cầu thị trường đang tăng nhanh thời gian gần đây. Khách hàng trong nước đặt mua một số mẫu ô tô nhập khẩu buộc lòng phải chấp nhận chờ hàng tháng trời mới mong nhận được xe.
Bên cạnh đó là điệp khúc bán xe ô tô của các đại lý theo kiểu “bia kèm lạc” khiến khách hàng bức xúc. Các mẫu xe hot mới ra mắt, để nhận xe sớm, khách hàng phải mất vài chục đến cả trăm triệu “chênh” so với giá niêm yết chính hãng.
Đơn cử như các mẫu xe hot thời gian qua hiện vẫn đang nằm trong danh sách “kênh giá” như Hyundai SantaFe, Hyundai Tucson, Toyota Raize hiện rất khan hàng. Đây chính là cơ hội cho các đại lý tha hồ làm giá dẫn đến tình trạng loạn giá trên thị trường mặc cho khách hàng bức xúc. Nhiều đại lý Ford trong tình hình tương tự khi dòng bán tải Ranger hiện cũng kênh giá từ 20-90 triệu đồng.
Ở mảng xe máy, các mẫu xe bán chạy của Honda như SH, Air Blade, SH Mode, Lead, Vision… cũng kênh giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Sau khi nhận phản ánh về một số đại lý bán ô tô yêu cầu khách hàng phải chi thêm tiền để nhận xe sớm, Toyota Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng và khuyến khích người tiêu dùng liên hệ khi gặp tình trạng này.
Toyota cũng là hãng ô tô đầu tiên tại Việt Nam thiết lập đường dây nóng, theo đó người tiêu dùng có thể gọi theo số 18001524. Hãng này còn cho biết, việc kinh doanh của mình là luôn nhất quán: Khách hàng đến trước sẽ được phục vụ trước, đồng thời yêu cầu các đại lý tuân thủ nghiêm ngặt điều này để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Trước đó, năm 2020, Toyota Việt Nam từng cho biết sẽ xử lý các đại lý vi phạm trong việc bán xe theo kiểu “bia kèm lạc”. Tại thời điểm đó, Toyota giới thiệu Corolla Cross có thể coi là một trong những mẫu xe “bom tấn” được ra mắt thị trường Việt Nam trong năm 2020. Corolla Cross gây ấn tượng với thiết kế trẻ trung hiện đại, các tính năng an toàn cao cấp trong khi mức giá khởi điểm chỉ từ 720 triệu đồng cho phiên bản thấp nhất, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cùng phân khúc như Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5.
Tuy nhiên, người tiêu dùng trên nhiều diễn đàn đặt dấu hỏi lớn về việc hãng xe Nhật sẽ xử lý thế nào với các đại lý trước tình trạng nêu trên khi đây là lần thứ 2 hãng này đưa ra tuyên bố tương tự.
Thực tế, TMV chưa đưa ra thông tin cụ thể nào khác về việc hãng đã từng xử lý đối với đại lý bán ô tô kiểu "bia kèm lạc", cũng như những đơn vị phân phối đang vi phạm chủ trương;.
Xử lý tình trạng bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” như thế nào?
Mới đây, tại Mỹ, liên quan đến vấn đề bán xe kiểu “bia kèm lạc”, đại lý ABC Nissan và Pinnacle Nissan bị buộc phải trả tổng cộng 480.000 USD tiền phạt cũng như bồi thường do hành vi quảng cáo sai sự thật và ép khách hàng mua thêm trang bị.
Nội dung theo Văn phòng Tổng chưởng lý Arizona nêu rõ, hai đại lý nêu trên đã quảng cáo xe với mức giá hấp dẫn rồi sau đó buộc khách hàng chi thêm tiền cho những trang bị hoặc tính năng khiến giá xe tăng. Những thứ mà khách hàng phải mua thêm như bơm khí nitơ vào lốp, phủ lớp bảo vệ sơn xe, ốp bảo vệ cửa, hay dán kính mờ.
Đây có thể là những tùy chọn mà người mua xe thường có quyền quyết định đồng ý hoặc từ chối. Tuy nhiên, ở hai đại lý trên, nếu khách hàng không chi thêm tiền, họ sẽ bị từ chối mua xe. Nhân viên đại lý Pinnacle Nissan thậm chí nói với khách hàng rằng, một số phụ kiện đã được lắp sẵn và không thể tháo ra, vì thế khách hàng chỉ có thể chọn mua xe hoặc không.
Trước vụ việc trên, đại lý Pinnacle Nissan phải bồi thường 305.000 USD cho khách hàng và 50.000 USD tiền phạt. ABC Nissan cũng phải trả 100.000 USD cho khách hàng và 25.000 tiền phạt, cùng 25.000 phí luật sư.
Trong khi đó, tại Việt Nam thực tế việc xử lý vấn đề bán xe theo kiểu “bia kèm lạc” là không hề dễ dàng vì các giao dịch này không có sự ép buộc từ phía đại lý, đa phần những tư vấn bán xe sẽ chỉ “gợi ý” nếu khách hàng muốn có xe giao ngay chứ không “ép”.
Nếu không mua thêm gói của đại lý thì khách hàng vẫn có thể chọn phương án… đợi. Đặc biệt, để chứng minh được vấn đề "đến trước, phục vụ trước" với từng khách hàng là không không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, giá xe các đại lý vẫn bán đúng theo niêm yết của hãng, còn kênh giá thì được lý giải là theo quy luật cung – cầu của thị trường, thuận mua vừa bán. Đặc biệt, thông thường các đại lý nắm bắt được tâm lý khách hàng với những mẫu xe hot nên càng có “cớ” để đưa ra các yêu cầu kèm theo, khách mua hay không thì… tuỳ. Do đó, trong khi chờ có những quy định rõ ràng hơn liên quan đến thị trường từ các cơ quan chức năng, cách tốt nhất với người tiêu dùng tại thời điểm này là không nên đi mua xe vào những thời điểm nhạy cảm như xe mới ra mắt, cận Tết để tránh tình trạng bị ép giá hoặc phải mua xe với tình trạng “bia kèm lạc”.
Ở góc độ kinh doanh, nhiều đại lý lại "giải thích" rằng, ngoài doanh số xe cam kết với hãng, nhà phân phối thường có những cam kết liên quan đến chỉ tiêu khác như thưởng doanh số, bảo hiểm, phụ kiện xe v.v…
Ngoài ra, các đại lý ô tô còn có nhiều mẫu xe khác chứ không chỉ bán các xe hot, xe mới ra mắt nên sẽ phải có những hình thức kinh doanh làm sao để kiếm được lợi nhuận từ các mẫu xe hot để bù vào các xe bán chậm hơn để đảm bảo doanh số và nguồn thu không bị ảnh hưởng.