Thuế quan đối ứng của ông Trump đang đe dọa đến ngành bán dẫn Hoa Kỳ
Ngành công nghiệp chip phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nhập khẩu khác và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ. Đây là ngành rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế vĩ mô...

Ngày 07/04/2025, Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới và ngành bán dẫn được hưởng một ngoại lệ quan trọng: chất bán dẫn (semiconductors) tạm thời được miễn áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn. Tuy nhiên, một số công ty công nghệ Mỹ bắt đầu nhận ra “đặc quyền ngoại lệ” này gây ra rất nhiều rắc rối.
Nguyên nhân là phần lớn chất bán dẫn nhập vào Mỹ hiện nay đã được tích hợp sẵn trong các sản phẩm như bộ xử lý đồ họa (GPU) hay máy chủ dùng để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI), và những sản phẩm này “không nằm trong diện được miễn thuế”. Thậm chí, các thiết bị sản xuất chip tại Mỹ cũng không được miễn, khiến tình hình càng thêm phức tạp. Bộ Thương mại Mỹ hiện chưa phản hồi về vấn đề này.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHIP ĐỐI MẶT VỚI TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Stacy Rasgon, nhà phân tích cấp cao về chất bán dẫn tại Bernstein Research, cho biết việc miễn thuế hạn chế cho chip sẽ không đủ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực rộng lớn lên ngành công nghiệp này. Vì hầu hết chất bán dẫn nhập vào Mỹ đều nằm trong các sản phẩm như máy chủ, điện thoại thông minh hay thiết bị khác, ông Rasgon ước tính mức thuế trung bình áp dụng cho các sản phẩm này có thể lên tới khoảng 40%.
Ngành công nghiệp chip phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nhập khẩu khác và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ, bởi các linh kiện này xuất hiện trong vô số sản phẩm tiêu dùng, từ ô tô đến tủ lạnh. "Ngành bán dẫn rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế vĩ mô", chuyên gia Rasgon nói.
Để xác định hàng hóa nào chịu thuế, chính quyền Trump sử dụng Hệ thống Biểu thuế nhập khẩu (HTS) – một hệ thống phức tạp phân loại hàng triệu sản phẩm trên thị trường Mỹ bằng các mã số tương ứng với mức thuế nhập khẩu khác nhau.
Tài liệu của Nhà Trắng chỉ liệt kê một nhóm nhỏ mã HTS trong lĩnh vực chất bán dẫn được miễn thuế. Chẳng hạn, GPU thường được mã hóa là 8473.30 hoặc 8542.31 trong hệ thống HTS. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế của Trump chỉ áp dụng cho các GPU tiên tiến thuộc mã 8542.31, bỏ qua các mã khác liên quan đến phần cứng tính toán. Máy chủ DGX của Nvidia, được thiết kế cho các tác vụ AI với GPU tích hợp, lại thuộc mã 8471.50 và có khả năng không được miễn thuế.
Theo thông tin từ Nvidia, trong hơn 1.300 sản phẩm được liệt kê trên trang web của công ty, chưa đến 1/5 sản phẩm dường như được miễn thuế dựa trên mã HTS tương ứng.
TIN XẤU CHO CÁC CÔNG TY AI MỸ
Theo trang Wired, nếu nhiều loại GPU và linh kiện điện tử khác phải chịu mức thuế cao nhất theo từng quốc gia, các nhà sản xuất chip và công ty AI Mỹ có thể đối mặt với chi phí tăng vọt. Điều này có nguy cơ cản trở nỗ lực xây dựng thêm trung tâm dữ liệu và huấn luyện các mô hình AI tiên tiến nhất tại Mỹ. Đây là lý do giá cổ phiếu Nvidia đang "lao dốc", giảm khoảng 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2025.
Trong khi đó, chuyên gia Nancy Wei từ Eurasia Group cảnh báo: "Phần cứng AI, đặc biệt là GPU cao cấp từ Nvidia, sẽ tăng giá, có thể làm đình trệ việc phát triển cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ. Các lĩnh vực như điện toán đám mây, điện toán lượng tử và ứng dụng bán dẫn cấp quân sự cũng có thể bị ảnh hưởng do chi phí cao hơn và nguồn cung không ổn định".
Mark Wu, giáo sư tại Trường Luật Harvard chuyên về thương mại quốc tế, cho rằng khả năng các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng bán dẫn áp thuế trả đũa Mỹ đang tạo ra môi trường kinh doanh rất bất ổn. Ông Trump cũng ám chỉ trong buổi họp báo mới đây rằng ông có thể sớm công bố thêm thuế quan nhắm cụ thể vào chip. "Có quá nhiều kịch bản khác nhau", Giáo sư Wu nói. "Gần như không thể dự đoán nếu không biết chính xác điều gì đang được cân nhắc".
THÁCH THỨC VỚI KẾ HOẠCH ĐƯA SẢN XUẤT VỀ HOA KỲ
Tổng thống Trump tuyên bố chính sách thương mại của ông nhằm đưa sản xuất trở lại Mỹ, nhưng các thuế quan này lại đe dọa đảo ngược giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của ngành chip Mỹ. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, doanh số bán hàng tại châu Mỹ tăng 48,4% từ tháng 2/2023 đến 2024, vượt xa Trung Quốc (tăng 5,6%) và châu Âu (giảm 8,1%). Tuy nhiên, Mỹ chỉ chiếm 12% năng lực sản xuất chip toàn cầu, giảm mạnh từ 37% năm 1990, do hàng thập kỷ chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Đạo luật CHIPS dưới thời chính quyền Biden đã phân bổ 52 tỷ USD để đầu tư vào sản xuất, đào tạo và nghiên cứu chip nhằm đảo ngược xu hướng này. Ông Trump gọi đạo luật này là "điều kinh khủng" và mới đây đã lập một văn phòng để quản lý các khoản đầu tư từ chương trình này.
Một thiếu sót lớn trong danh sách mã HTS được miễn thuế là các mã liên quan đến máy in thạch bản (lithography machines) – thiết bị quan trọng trong sản xuất chip. Hầu hết máy in thạch bản tiên tiến hiện nay được sản xuất tại Hà Lan (chịu thuế 20%) và Nhật Bản (24%). Nếu các thiết bị này trở nên đắt đỏ hơn khi nhập khẩu, kế hoạch đưa sản xuất chip về Mỹ có thể bị cản trở nghiêm trọng.
Ngoài ra, các nguyên liệu cơ bản nhưng thiết yếu cho sản xuất chip như thép, nhôm, linh kiện điện tử, đèn chiếu sáng và công nghệ xử lý nước cũng sẽ tăng giá do thuế quan. Martin Chorzempa nhận xét: "Đây là nghịch lý kinh điển của thuế quan: bảo vệ một loại hình kinh doanh nhưng lại gây thiệt hại cho các ngành liên quan".