Tích cực ứng dụng công nghệ phục vụ thanh kiểm tra, đẩy lùi gian lận trong đào tạo lái xe
Nhiều giải pháp về công nghệ được ứng dụng để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua. Tuy nhiên, những trục trặc và bất cập khiến quá trình đào tạo bị ảnh hưởng, tình trạng học hộ, gian lận vẫn chưa được đẩy lùi...
Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 8/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
RÀ SOÁT LẠI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, CHỐNG TIÊU CỰC
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đánh giá trong thời gian vừa qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đạt những kết quả tích cực, đảm bảo chất lượng nâng cao dịch vụ, phục vụ tốt cho người dân và đang từng bước hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng công khai, minh bạch.
Cục cũng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giúp công tác công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực, đặc biệt là cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Từ đó, góp phần rất lớn vào công cuộc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo ghi nhận, nhiều cơ sở đào tạo chưa theo dõi, giám sát, khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (DAT) để yêu cầu học viên học đủ số km lái xe ban đêm, học đủ thời gian trên xe số tự động; không tập huấn cho giáo viên hướng dẫn học viên đăng nhập, đăng xuất các phiên học dẫn đến trùng học viên, trùng xe tập lái, trùng hành trình tại cùng một thời điểm...
Việc ứng dụng thiết bị DAT cũng còn nhiều trục trặc, còn nhiều lỗi phát sinh làm ảnh hưởng đến quá trình học của học viên, phát sinh chi phí đào tạo.
Đối với thiết bị cabin điện tử, dù mới được triển khai áp dụng nhưng cũng bộc lộ những bất cập do chưa có cơ chế giám sát, ngăn chặn tình trạng học hộ nhằm gian lận kết quả đào tạo lái xe.
Do đó, Cục trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đưa ra các giải pháp,để thống nhất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cục trưởng giao Phòng Quản ký vận tải, phương tiện và người lái xây dựng kế hoạch chi tiết, thời gian cụ thể, lộ trình rõ ràng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan với tinh thần quyết liệt, nhanh nhất, cùng Cục thực hiện tốt nhiệm vụ.
"Cục đang xây dựng Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi lĩnh vực đường bộ, trong đó có công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhằm siết chặt lại công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin", Cục trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế; khẩn trương xác định rõ việc phân cấp, phân quyền, trực tiếp quản lý, quy định nội bộ theo hướng nhiệm vụ cụ thể của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đơn vị cơ sở... giúp cho cơ quan pháp luật kiểm tra, kiểm soát đúng quy định.
Đáng lưu ý, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, thậm chí cả việc theo dõi lái xe trong quá trình sau khi cấp lần đầu, xây dựng cơ sở dữ liệu đẻ phục vụ cho việc theo dõi giám sát, tạo sự minh bạch, khách quan, nâng cao chất lượng dịch vụ.
"Công tác đào tạo theo hướng mở nhưng phải đảm bảo quy định, công tác sát hạch chặt chẽ hơn, rà soát lại chương trình đào tạo, hình thức học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nâng cao tiêu chuẩn của giáo viên", Cục trưởng lưu ý.
TÍCH CỰC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Trước đó, báo tại hội nghị, ông Lương Duyên Thống, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết, các sở giao thông vận tải có nhiều cố gắng trong quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, các sở ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tuân thủ các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe; đồng thời, ban hành nhiều văn bản nội bộ để nâng cao tính công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
"Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, kỳ thi kết thúc khóa học, giám sát kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe, tổ chức thực hiện công tác cấp giấy phép đào tạo, giấy phép xe tập lái, chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Đồng thời, quản lý lưu lượng đào tạo, tiếp nhận các báo cáo đào tạo, xét duyệt hồ sơ và tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo trình tự, thủ tục quy định", ông Thống thông tin.
Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe và triển khai lắp đặt thiết bị để nhận dạng và giảm sát thời gian học lý thuyết môn học Pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô. Cùng với đó, các cơ sở cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đào tạo lái xe.
Đáng chú ý, việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thiết bị DAT để theo dõi số giờ, số km học thực hành lái xe trên đường thực hiện từ ngày 1/6/2022; áp dụng thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe - cabin học lái xe được các cơ sở đào tạo trang bị từ ngày 1/1/2023…
"Điều này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng công tác đào tạo lái xe ô tô; hỗ trợ tích cực cho công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm", Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.