Tiền vẫn “né” blue-chips, đến lượt Midcap thăng hoa
Phiên tái cơ cấu ETF ngoại hôm nay vẫn đang tiến triển khá thuận lợi, dù dòng tiền không tập trung vào blue-chips nhiều. Giao dịch ở nhóm Midcap sáng nay đã vượt VN30 và chỉ số của rổ này cũng tăng tốt nhất thị trường...
Phiên tái cơ cấu ETF ngoại hôm nay vẫn đang tiến triển khá thuận lợi, dù dòng tiền không tập trung vào blue-chips nhiều. Giao dịch ở nhóm Midcap sáng nay đã vượt VN30 và chỉ số của rổ này cũng tăng tốt nhất thị trường.
VN-Index diễn biến mạnh dần về cuối phiên dù chỉ số này chưa vượt qua được đỉnh cao nhất đầu ngày. Chỉ số chốt phiên sáng trên tham chiếu 0,51%, VN30-Index tăng 0,43%, riêng Midcap-Index tăng 1,15%.
Dòng tiền vào Midcap cũng rất đáng chú ý, rổ này đã khớp thành công 4.124,5 tỷ đồng trong khi VN30 mới giao dịch 3.970,1 tỷ đồng. Top 3 giá trị khớp lệnh vẫn đang thuộc về các mã trong rổ VN30 là HPG, VPB và TPB, nhưng tổng thể cả rổ vẫn giảm giao dịch tới 7% so với sáng hôm qua và thấp hơn rổ Midcap. Điều đó đồng nghĩa với nhiều cổ phiếu khác trong VN30 đang giảm thanh khoản.
Rổ Midcap đóng góp 3 mã trong top 10 thanh khoản thị trường là HSG, SCR và KBC. Trong đó HSG tăng giá 1,7%, thanh khoản 329,5 tỷ đồng và SCR tăng 6,93%, thanh khoản 312,8 tỷ đồng, đứng trong Top 5.
Rổ Midcap tăng 1,15%, mạnh nhất trong số các chỉ số nhóm vốn hóa, nhưng mức tăng cũng rất tập trung. Cả rổ có 4 cổ phiếu kịch trần là SCR, DGC, HNG và SAM, nhưng số còn lại chỉ 12 mã tăng trên 2%. Chưa đến một phần tư số cổ phiếu trong rổ tăng đáng chú ý, nhưng vẫn kéo chỉ số khá tốt.
Rổ Smallcap tăng 0,96% với 9 mã kịch trần cũng trong tình trạng tương tự, khi sức nóng đã giảm đáng kể và mức tăng giá tập trung rất cao. Ngoài 9 mã trần, cả rổ cũng chỉ có hơn 40 mã tăng trên 2%. Như vậy khoảng 26% số cổ phiếu trong rổ Smallcap tăng trên 2% khiến rổ này cũng không còn nóng như các phiên trước.
Tuy nhiên hầu hết các cổ phiếu hút tiền nhất nhóm smallcap vẫn tiếp tục tăng giá tích cực. Top 10 thanh khoản của rổ smallcap chiếm 46% giá trị cả rổ và chỉ duy nhất APG giảm sàn sang phiên thứ 2 liên tục, còn lại vẫn tăng giá. IJC, NKG, KSB khớp vượt quy mô trăm tỷ đồng và giá tăng mạnh.
Nhóm VN30 giao dịch tệ nhất, chỉ số chỉ tăng 0,43% và thanh khoản nhỉnh hơn rổ smallcap một chút. Tuy nhiên trong Top 10 cổ phiếu nâng đỡ VN-Index, gần như “không có cửa” cho các mã Midcap hay smallcap. Hai cổ phiếu duy nhất không thuộc VN30 lọt top 10 đẩy điểm số là HVN tăng 3,92% và DGC (midcap) tăng 6,93%. Nhóm đầu tàu là VNM tăng 2,08%, BID tăng 1,78%, VPB tăng 1,54%, TPB tăng 3,88%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu ấn nổi bật sáng nay khi chỉ có MBB trong rổ Vn30 là tham chiếu, còn lại đều tăng. Đáng tiếc là VCB tăng quá nhẹ 0,2%. Ngoài ra có thể kể tới VIC vẫn giảm 0,11%, SAB giảm 1,68%, GAS giảm 0,78%, MSN giảm 0,67%.
Tổng thể độ rộng của VN-Index có lợi thế từ nhóm tăng giá áp đảo, với 266 mã tăng/136 mã giảm. VN30 tuy tăng ít nhưng cũng có 16 mã tăng/10 mã giảm. VN-Index tăng 0,51% và chỉ còn thấp hơn đỉnh tháng 8 vừa qua khoảng 1,6%.
Dòng tiền vào rổ VN30 suy yếu nhưng độ rộng vẫn tích cực đồng nghĩa với sức ép bán ra không có nhiều. Thực ra tính về cơ cấu chỉ số thì SAB và GAS ảnh hưởng là chính. Những cổ phiếu blue-chips giảm thanh khoản cũng không biến động giá nhiều.
Khối ngoại sáng nay tiếp tục xả ròng gần 116 tỷ đồng tại VIC nhưng mức giảm nhẹ cũng thể hiện khả năng cân đối từ dòng vốn trong nước. VIC giảm sâu nhất trong phiên cũng chỉ -0,23% so với tham chiếu và đến cuối phiên giảm 0,11%. Ngoài VIC, có DPM, HPG, HNG, DGW và chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng khá lớn. Phía mua có VHM với 75 tỷ ròng, HSG với 63 tỷ, VNM, MSN, DGC loanh quanh 30 tỷ đồng. Tính chung HoSE bị bán ròng 128,2 tỷ đồng, chủ yếu là do VIC và chứng chỉ quỹ.