Tiếp tục kiểm tra loạt cửa hàng bán vàng ở Hà Nội, Tiền Giang có dấu hiệu vi phạm
Trong quá trình kiểm tra, bước đầu lực lượng quản lý thị trường đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử….
Chiều ngày 4/4, tại Hà Nội, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đồng loạt tiến hành kiểm tra đột xuất 3 điểm kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3 điểm kinh doanh vàng, bạc, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Phúc Thành Hà Nội, số 276 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội; Công ty TNHH Vàng Bảo Tín Lan Vỹ, số 84A Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; Công ty TNHH Vàng bạc Chiến Minh, số 119 Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường. Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại mỗi cửa hàng trưng bày để bán hàng nghìn các sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, đá các loại.
Trong đó, một số sản phẩm nữ trang kim loại là vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai có gắn tên một số nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Hermes, LV….
Chủ các cơ sở xuất trình các giấy tờ chứng minh điều kiện kinh doanh và các hóa đơn chứng từ để lực lượng chức năng đối chiếu với hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng.
Hiện, các tổ công tác của Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa bày bán tại 3 cơ sở kinh doanh. Dự kiến, chương trình làm việc của các tổ công tác sẽ kéo dài từ 2-3 ngày.
Cũng trong ngày 4/4, các Đội quản lý thị trường số 1, 6 (Cục quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang) đã đột xuất kiểm tra 4 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Trong số 4 vụ việc này, có 2 vụ việc được phát hiện qua theo dõi, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin trên môi trường thương mại điện tử với hình thức đăng bài, livestream bán hàng qua tài khoản Facebook, TikTok.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 4 cơ sở đang kinh doanh mặt hàng vàng trang sức các loại có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất 30 chiếc nhẫn trơn loại 14K (độ tinh khiết 600), 52 bộ ximen không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.
Còn lại 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức gồm 12 chiếc cham đầu rồng, hàm lượng vàng 600 (tổng khối lượng 60 chỉ) và 10 chiếc dây chuyền, hàm lượng vàng 980 (tổng khối lượng 20 chỉ) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (không ghi tên hàng hóa); 12 chạm hình con Tùy Hưu, hàm lượng vàng 610 (tổng khối lượng 5,2 chỉ) không có nhãn hàng hóa.
Căn cứ giá niêm yết, tổng giá trị tang vật vi phạm được xác định gần 1,5 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã xác lập Biên bản kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho biết những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tục tiến hành kiểm tra nhiều điểm kinh doanh vàng tại một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, An Giang, Đồng Tháp, TP. Hà Nội… Việc kiểm tra nhằm triển khai chỉ đạo tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Trong quá trình kiểm tra, bước đầu lực lượng quản lý thị trường đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử….
Ông Lê cho biết việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Tổng cục quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng.