Tìm hướng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dệt may xuất ngoại

Song Hà
Chia sẻ

Năng suất lao động thấp, chỉ chiếm giá trị nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu do hạn chế về năng lực trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, chuyển đổi công nghệ, tài chính, kinh nghiệm quản lý... là những khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa dệt may phải đối mặt.

DNNVV cần tập trung đầu tư vào phân khúc các sản phẩm “nhỏ mà tinh”.
DNNVV cần tập trung đầu tư vào phân khúc các sản phẩm “nhỏ mà tinh”.

Tại hội thảo “Tham vấn báo cáo nghiên cứu về thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu”, các chuyên gia đặt câu hỏi: doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đâu trong chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam?

CẦN CÓ TƯ DUY TOÀN CẦU

Thống kê của Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy: tính đến năm 2019 cả nước có 758.000 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động. Trong đó, 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn, 70% doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và trung bình. Đây là những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới.

Tìm hướng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dệt may xuất ngoại - Ảnh 1

Trình bày kết quả báo cáo, bà Hoàng Ngọc Oanh, chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME, cho rằng hạn chế đối với sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa dệt may là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, phân phối chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, do quy mô về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không lớn nên hạn chế trong đầu tư cho sản xuất dẫn tới năng lực cung ứng hàng dệt may hạn chế. Trong khi tính liên kết trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa dệt may còn tương đối yếu, nên đáp ứng đơn hàng lớn gặp khó khăn.

Theo bà Oanh, các doanh nghiệp dệt may đang có rất nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Như những ưu đãi về thuế, quy tắc xuất xứ có những điểm mở nhất định (ví dụ: cộng gộp với Hàn Quốc trong EVFTA trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP…) là những triển vọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác những thị trường rộng lớn.

Vì thế, cần có sự liên kết cao hơn để tạo ra những liên minh những doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành doanh nghiệp lớn để tận dụng được các cơ hội này. Đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp dệt may để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường FTA.

Góp ý về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Điền, Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng hiện nay có hai luồng quan điểm khi thảo luận về định hướng phát triển ngành dệt may.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần kết nối các khâu trong dệt may như kéo sợi kết nối với dệt, sau đó đến hoàn tất - may, tức là chúng ta chủ động nguồn nguyên liệu nhằm tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA.

“Nhưng sự kết nối như vậy có hiệu quả không? Nếu đầu tư nhà máy sợi nhỏ thì sẽ không có lợi thế quy mô lớn do giá thành cao, khó cạnh tranh. Mua sợi ở Việt Nam giá thành cao nhưng mua ở Trung Quốc dù bị đánh thuế giá thành vẫn thấp, vậy chọn mua nước nào?”, ông Điền đặt câu hỏi.

Đứng ở luồng ý kiến ngược lại, ông Điền cho rằng chúng ta cần có tư duy cách nhìn, chuỗi giá trị dệt may là toàn cầu, chứ không thể làm tất các công đoạn dệt may tại Việt Nam.

Do đó, cần xây dựng chuỗi liên kết toàn cầu, đặt ngành may trong phạm vi toàn cầu vì mỗi quốc gia có một lợi thế khác nhau. Đặc biệt, có nên hình thành chuỗi liên kết ngành như nhiều ý kiến đưa ra. Tức là hình thành các khu công nghiệp dệt may, kết nối dệt may trong đó gồm nhà máy sợi, nhà máy dệt, nhà máy may…

“Tiêu thụ sản phẩm của nhau thực chất là hình thành chuỗi liên kết ngành đóng. Điều này rất khó trong bối cảnh mở cửa như hiện nay, bởi chuỗi giá trị là toàn cầu. Mỗi địa phương, mỗi quốc gia có lợi thế của họ, ai rẻ, ai tốt họ mua. Chính vì thế, chuỗi liên kết ngành cần mở chứ không phải là đóng. Cho nên các khuyến nghị xây dựng cụm công nghiệp dệt may, liên kết ngành rất rủi ro”, ông Điền lưu ý.

KHAI THÁC THẾ MẠNH CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Để hiểu rõ về bức tranh doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may, đại diện Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng báo cáo cần nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may Việt Nam có thể tham gia công đoạn nào trong chuỗi. Bởi theo ông Điền, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may chỉ có thể làm may vì chi phí đầu tư không lớn, còn nếu làm sợi nhuộm thì chi phí không hề nhỏ.

Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm tới việc doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua xuất khẩu thế nào. Ông Điền phân tích: bản thân họ tự xuất thì khó vì thế họ liên kết với các doanh nghiệp lớn họ nhận đơn hàng lớn để nhận gia công hoặc xuất khẩu thông qua đại diện thương mại.

Như vậy, với luật chơi này, doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ thiệt thòi. Do đó, nếu để doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu tại chỗ theo ông Điền họ có thể xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba với những đơn hàng nhỏ.

Bà Oanh đề xuất thêm: “Cần chuyển dần từ gia công sang FOB, OBM nhằm gia tăng giá trị, đây là câu chuyện dài hơi được nhắc đi nhắc lại. Cùng với đó là nâng cấp giá trị theo hướng phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu dệt may để đảm bảo giảm bớt dần tỷ lệ nhập siêu. Như sợi có thể sản xuất ra phục vụ trong nước thay vì xuất đi rồi lại nhập về”.

Về vấn đề này, ông Điền nhấn mạnh, chúng ta cần có nghiên cứu công đoạn nào doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung vào, họ có lợi thế ở sản phẩm nào khi xuất khẩu để có chính sách thúc đẩy.

Trong chuỗi giá trị dệt may, cắt may là công đoạn có giá trị gia tăng thấp nên chúng ta đều định hướng đến những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn như FOB, OBM, nhưng thực tế chúng ta chưa làm được điều này. Bởi chuỗi giá trị ngành phân bổ khá rõ ràng, phân công lao động cũng rõ nét.

Một số quốc gia có lợi thế về kéo sợi, dệt-nhuộm, hay có quốc gia chỉ làm thương hiệu, nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm dệt may họ đến đặt hàng ở các nước khác và làm hệ thống phân phối toàn cầu.

“Nếu chúng ta chọn phương thức xuất khẩu mà hướng tới công đoạn khác liệu có hiệu quả không? Cần có phân tích rõ ràng hơn về vấn đề này, doanh nghiệp nào làm FOB, doanh nghiệp nào làm OBM…”, ông Điền gợi ý.

Bà Hoàng Ngọc Ánh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đồng tình: doanh nghiệp lớn có thể tham gia chuỗi toàn cầu và khối dệt - nhuộm, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa ngược lại.

Một vấn đề nhức nhối khác cần khảo sát đó là lao động. Theo đánh giá của ông Điền, hiện nay chi phí lao động của Việt Nam vẫn thấp. Trong khi tại Việt Nam có rất nhiều ngành đòi hỏi nhiều lao động.

Tiền lương bình quân của ngành may so với các ngành khác thấp hơn khá nhiều nên nhiều lao động chuyển sang lĩnh vực có thu nhập cao hơn, dẫn tới thiếu hụt lao động. Nếu tăng tiền lương cho nhân công thì giá thành tăng, đối tác sẽ chuyển sang nước khác đặt hàng. Chính điều này càng gây khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần khuyến khích đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực thi chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường thông qua hệ thống pháp luật minh bạch, tương thích với cam kết. Đồng thời, cần ưu đãi chính sách thuế và tài chính phù hợp với các cam kết trong FTA. Đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về hạ tầng giao thông và năng lượng.

Hướng về tương lai, trong xu thế phát triển của thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may Việt Nam phải hướng tới đổi mới để bắt kịp xu thế. Trong đó cần chú trọng đổi mới về công nghệ, năng suất, kỹ năng tay nghề của người lao động.

Trong quá trình đổi mới đó, rất cần sự hỗ trợ của chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành. Đó có thể là chính sách nền tảng dành cho các ngành công nghiệp sản xuất nói chung, ngành dệt may và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, tập trung hỗ trợ về cải tiến công nghệ, thiết bị, đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại.

Về phía các doanh nghiệp dệt may, cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường và đối tác để tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh vào phân khúc các sản phẩm “nhỏ mà tinh”. Chú trọng vào những chuỗi cung ứng quy mô nhỏ, phù hợp với năng lực tham gia của doanh nghiệp, từ đó tìm được hướng đi riêng, cạnh tranh hiệu quả với các nguồn cung dệt may khác.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con