Tìm kiếm thêm nguồn cung ứng than cho sản xuất điện trong nước
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19, do đó có nhu cầu lớn về nguồn nguyên nhiên vật liệu, trong đó có than. Việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Ngài Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam nhằm xúc tiến, tìm kiếm thêm nguồn cung ứng than cho sản xuất điện trong nước.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi vẫn duy trì ổn định ở mức trên 1,39 tỷ USD. Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng, dư địa tăng cường kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
“Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19, do đó có nhu cầu lớn về nguồn nguyên nhiên vật liệu, trong đó có than. Việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đánh giá cao năng lực khai thác và xuất khẩu than của Nam Phi (sản xuất gần 260 triệu tấn năm 2020, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 30%), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Nam Phi hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc… để đi đến ký kết hợp đồng, đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới.
"Tại COP26, Việt Nam và Nam Phi cùng nhiều quốc gia đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Do đó, từ nay đến 2050, hai Bên còn nhiều cơ hội để tích cực phát triển hợp tác trong hoạt động thương mại than"” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, đồng thời mong muốn hai Bên xem xét, sớm thống nhất thời gian ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản giữa hai nước.
Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết thành công MOU sẽ tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản mà còn góp phần phát triển kim ngạch thương mại song phương.
Bên cạnh vấn đề tìm nguồn cung than từ Nam Phi, Bộ trưởng cũng xác định những trọng tâm khác cần tập trung thúc đẩy với thị trường này trong năm 2022, bao gồm: Tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi; Thúc đẩy đưa hàng xuất khẩu của Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Nam Phi; Thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa hai nước (khai khoáng, luyện kim, dệt may, phân bón…).
Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro khẳng định, Nam Phi luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, năng lượng và khoáng sản với Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong nước để thúc đẩy giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Ngay cuộc họp hôm nay, Đại sứ sẽ về nước công tác và sẽ trao đổi ngay với Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Nam Phi về nội dung cung ứng than cho Việt Nam cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu than của hai nước. Ngoài ra, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cũng đề nghị phía Việt Nam tạo thuận lợi để một số mặt hàng có thế mạnh của Nam Phi có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.