Tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường chưa chấm dứt, vì sao?
Hiện đang là vụ sản xuất đường, nhưng việc tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn trầm trọng hơn những năm trước. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên, giữa nhà máy với nhà máy, giữa nhà máy đường với người trồng mía vẫn chưa tìm được tiếng nói chung…
Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ngành tỉnh này về việc hỗ trợ bảo vệ mía trong vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.
DOANH NGHIỆP “TỐ” NÔNG DÂN BÁN MÍA RA BÊN NGOÀI
Theo nội dung phản ánh, SOSUCO bắt đầu triển khai vụ sản xuất mía đường 2021-2022 bắt đầu từ sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.
Để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ nông dân trong vùng nguyên liệu, SOSUCO đã có thông báo chính sách thu mua mía vụ 2021-2022 với mức giá 1,1 triệu đồng/tấn mía sạch và được các cấp chính quyền địa phương, bà con nông dân ủng hộ.
Ngoài ra, các hộ dân thực hiện đúng hợp đồng cam kết đầu tư thu mua mía thì Công ty sẽ hỗ trợ thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn mía sạch.
Vụ sản xuất 2021-2022, SOSUCO đã ký Hợp đồng đầu tư trực tiếp với bà con trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gần 2.000 ha mía. Toàn bộ diện tích này Công ty đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công với tổng giá trị ứng trước cho dân trên 15 tỷ đồng.
Theo Hợp đồng đã ký với SOSUCO thì người dân nhận đầu tư, cam kết bán toàn bộ sản lượng mía trên diện tích đã đầu tư và cam kết thu mua hết sản lượng này.
Tuy nhiên, theo phản ánh của SOSUCO, từ tháng 12/2021 đến nay, xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác. Sản lượng mía mà giới thương lái thu mua đưa đi ngoài vùng ước tính trung bình 500 – 600 tấn/ngày.
“Một số hộ nông dân vì lợi ích trước mắt đã phá hợp đồng với SOSUCO tự ý thu hoạch mía bán cho thương lái vận chuyển ra ngoài vùng. Các thương lái trên còn tổ chức lập điểm thu mua, lắp đặt cẩu mía tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) ngay giữa vùng nguyên liệu của SOSUCO”, công văn của SOSUCO nhấn mạnh.
Việc các thương lái tranh mua mía SOSUCO đã đầu tư đưa đi bán cho các nhà máy đường khác, gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của SOSUCO nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung. SOSUCO có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía.
Mặt khác việc, thương lái tranh mua mía tại vùng nguyên liệu mà SOSUCO đã đầu tư sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho chính sách phòng vệ thương mại mà Bộ Công Thương đã và đang thực hiện.
Trước tình hình đó, để ổn định vùng nguyên liệu mía của SOSUCO và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, SOSUCO đã gửi công văn đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị đến UBND tỉnh Sóc Trăng, các sở ban ngành, các huyện có giải pháp hỗ trợ Công ty trong việc bảo vệ vùng nguyên liệu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho số đông bà con nông dân.
Đồng thời, yêu cầu Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị đến Bộ Công Thương về thực trạng tranh mua mía nguyên liệu tại vùng mía của SOSUCO đưa đi Tây Ninh vì sẽ tạo bất lợi cho các chính sách phòng vệ của Việt Nam, đặc biệt là việc điều tra chống lẩn tránh mà Bộ đang thực hiện.
SOSUCO cũng đã gửi công văn đề nghị Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào. Đề nghị, các đơn vị sản xuất mía đường khác tôn trong nguyên tắc tự xây dựng vùng nguyên liệu của mình theo hướng liên kết sản xuất bền vững theo chuỗi cung ứng để từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh với khu vực và thế giới.
ĐE DỌA CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT BỀN VỮNG GIỮA NGƯỜI DÂN VÀ NHÀ MÁY
Tại tinh Gia Lai, Nhà máy đường An Khê đã liên kết với hàng trăm hộ dân tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu mía với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Khi nhà máy đang xây dựng kế hoạch thu mua nguồn nguyên liệu mía trên diện tích đã đầu tư, nhiều hộ dân có liên kết với nhà máy đã tự ý thu hoạch mía rồi bán cho các tư thương.
Theo phản ánh của Nhà máy đường An Khê, từ đầu vụ thu hoạch mía năm nay, nguyên liệu mía của nông dân sản xuất trong vòng vùng nguyên liệu của nhà máy An Khê đã được các tư thương đứng ra thu mua rồi vận chuyển đi các nhà máy ở Kon Tum, Ayun Pa và Phú Yên.
"Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 1/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày từ tháng 01/2022, chúng tôi mất trên 1.500 tấn mía nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở các xã Chơ Long, An Trung, Đăk Pơ Pho, Yang Trung của huyện Kông Chro. Với giá mía như hiện tại, cùng với chi phí đầu tư ban đầu, nhà máy có thể thiệt hại hàng chục tỷ đồng”, ông Lê Văn Dương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng đầu tư nguyên liệu-Nhà máy Đường An Khê ước tính.
Vụ sản xuất 2020 - 2021, Nhà máy đường An Khê thiệt hại khoảng 15-20% sản lượng mía nguyên liệu, tương đương với khoảng 150.000 tấn mía. Với sản lượng mía trung bình 60 tấn/ha, để có được 150.000 tấn mía thì phải trồng trên diện tích 2.500ha. Như vậy, tính riêng chi phí đầu tư vùng nguyên liệu trung bình 15 triệu/ha, nhà máy đã mất đi 38 tỷ đồng, chưa kể, tính theo giá trị đường sản xuất, nhà máy mất thêm hàng chục tỷ đồng nữa.
Theo chính quyền huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, những người dân chở mía đi Ayun Pa hay Kon Tum dù phải chịu chi phí vận chuyển thì vẫn được lời hơn so với bán cho Nhà máy đường An Khê mấy triệu đồng một xe. Nhà máy Đường An Khê thu mua giá thấp hơn chỗ khác thì người dân không chấp nhận, vì thế người dân bán ra ngoài.
Tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay, giữa nhà máy đường với người trồng mía, giữa các nhà máy đường với nhau cũng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Hậu quả là, việc tranh mua nguồn nguyên liệu không chỉ gây thiệt hại cho phía nhà máy trực tiếp bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu mà lâu dài dẫn đến mối quan hệ hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu giữa nhà máy và người dân đổ vỡ, từ đó phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa người dân và nhà máy.
Bên cạnh đó, việc mất nguồn nguyên liệu còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của nhà máy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên mỗi vùng nguyên liệu do từng nhà máy bỏ vốn hợp tác với người dân. Còn với người dân, dù được lợi kinh tế từ những tấn mía bán ra ngoài có giá cao hơn nhưng về lâu dài, người dân sẽ mất đi mối quan hệ, liên kết đầu tư với nơi tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.