Top 5 startup insurtech Đông Nam Á đáng chú ý nhất năm 2024
Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, lĩnh vực bảo hiểm tại thị trường Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến đạt mốc 161,80 tỷ USD vào năm 2024…
Bối cảnh ngành phát triển nhanh chóng ở một số quốc gia như Singapore do nhu cầu cao về các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ. Với việc tích hợp công nghệ vào lĩnh vực — được gọi là insurtech — nhiều công ty đang nỗ lực cung cấp giải pháp kỹ thuật số thuận tiện cho khách hàng mua bảo hiểm, theo Tech Collective.
Một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cho các startup insurtech Đông Nam Á bao gồm giải pháp fintech trong thanh toán, tăng cường phổ cập internet, nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật số tiện lợi và mức độ phủ sóng điện thoại thông minh. Hơn nữa, sự hỗ trợ về mặt pháp lý và nguồn vốn đầu tư tăng cũng nhấn mạnh tiềm năng của lĩnh vực.
Các công ty khởi nghiệp insurtech đang cách mạng hóa ngành bảo hiểm, mang đến vô vàn giải pháp tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và đơn giản hóa quy trình cho khách hàng. Đa số doanh nghiệp cho phép người dùng thanh toán bảo hiểm thông qua tùy chọn fintech trên nền tảng, đồng thời cung cấp nhiều khoản chiết khấu và phần thưởng. Đặc biệt, nhiều tổ chức đang tạo ra cơ hội việc làm mới, mang lại lợi ích cho nền kinh tế khu vực.
Dưới đây là 5 công ty khởi nghiệp về công nghệ bảo hiểm đáng chú ý nhất hiện nay.
POLICYPAL
PolicyPal có trụ sở tại Singapore giúp khách hàng quản lý bảo hiểm và bảo vệ tài sản thông qua bộ giải pháp kỹ thuật số. Ứng dụng cho phép người dùng bắt đầu hành trình tài chính bằng việc lập kế hoạch và so sánh danh mục đầu tư được cá nhân hóa, cung cấp nhiều lựa chọn về sức khỏe, du lịch, xe cộ và một số loại bảo hiểm khác. Hơn nữa, PolicyPal còn sử dụng phương pháp tham gia dựa trên phần thưởng được trò chơi hóa và đã thu hút hơn 100.000 người dùng.
AMTD Digital mua lại PolicyPal vào năm 2020 ngay khi được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phê duyệt. Sau thương vụ, kế hoạch tiếp theo của công ty là mở rộng sang một vài thị trường Đông Nam Á lân cận.
IGLOO
Một công ty khác có trụ sở tại Singapore là Igloo. Startup cung cấp giải pháp bảo hiểm ưu tiên con người với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận cho tất cả mọi đối tượng. Igloo đã tạo điều kiện thuận lợi cho xấp xỉ 500 triệu hợp đồng bảo hiểm, nỗ lực làm cho các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm trở nên hấp dẫn đối với người dân Đông Nam Á. Cơ sở hạ tầng công nghệ bảo hiểm của hãng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và big data, cung cấp ứng dụng thân thiện với đối tác, hệ thống quản lý khiếu nại, v.v.
Igloo huy động được 36 triệu USD tiền tài trợ trước Series C, dẫn đầu bởi quỹ công nghệ bảo hiểm của Eurazeo, OSV của OpenSpace và La Maison, nhà đầu tư có trụ sở tại Paris. Khoản tài trợ sẽ giúp công ty theo đuổi chiến lược mua bán và sáp nhập nhằm mở rộng thị trường tại ASEAN.
PASARPOLIS
PasarPolis đến từ Indonesia đặt mục tiêu dân chủ hóa khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm bằng cách giảm thiểu quy trình cho khách hàng thuộc nhóm lao động tự do. Công ty cũng tìm cách đẩy nhanh quá trình mua bán hợp đồng bảo hiểm, xử lý khiếu nại, so sánh bảo hiểm và một số dịch vụ khác. PasarPolis lấn sân sang thị trường Việt Nam và Thái Lan vào năm 2019, trở thành “người chơi” quan trọng trong ngành công nghệ bảo hiểm ASEAN.
PasarPolis thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Gojek, Tokopedia, Traveloka, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Leapfrog Investments, Xiaomi, Alpha JWC Ventures, SBI Investment, Intudo Ventures và GoVentures. Cho đến nay, công ty huy động được 71 triệu USD.
BIMA
BIMA có trụ sở tại Malaysia, là công ty con của MILVIK BIMA, chuyên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và sức khỏe trên nền tảng di động. Các giải pháp của hãng tập trung vào sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là cộng đồng thiểu số ở vùng sâu vùng xa. BIMA cũng cung cấp dịch vụ y tế từ xa và phiếu giảm giá tại hệ thống hiệu thuốc đối tác.
BIMA MILVIK đã được CapitalSG, công ty tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Singapore, mua lại. Công ty chiếm đa số cổ phần trong khi LeapFrog Investments vẫn giữ vị trí thiểu số. CapitalSG quyết định bơm vốn mới vào tổ chức sau lần tái cơ cấu hoạt động để tập trung vào lợi nhuận. Nguồn vốn sẽ giúp BIMA tiếp cận thị trường lớn hơn gồm nhiều tệp khách hàng chưa được phục vụ.
EAZY DIGITAL
Eazy Digital có trụ sở tại Thái Lan cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ và nền tảng nhằm số hóa dịch vụ bảo hiểm. Công nghệ giúp việc theo dõi hiệu suất bán hàng của đại lý bảo hiểm, tạo báo giá, thực hiện phân tích cũng như bắt đầu chiến dịch khuyến mãi dễ dàng hơn. Công ty đặt mục tiêu giúp các hãng bảo hiểm nhỏ cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn bằng cách quản lý đại lý, sự tham gia của khách hàng và hoạt động vận hành chuỗi.
Eazy Digital huy động được 850.000 USD trong vòng Seed. Nhóm nhà đầu tư tham gia tài trợ bao gồm Seedstars International Ventures, Wavemaker Partners, Sasin Bangkok Venture Club và Wing Vasiksiri. Công ty lên kế hoạch sử dụng số tiền để tiếp thị, thu hút khách hàng và phát triển sản phẩm, đặt mục tiêu trở thành lựa chọn phù hợp cho các công ty khởi nghiệp bảo hiểm muốn hợp lý hóa và số hóa hoạt động.
Theo Statista Research, vào năm 2022, có tới 43,4% người Đông Nam Á không sở hữu bất kỳ bảo hiểm nào. Tuy nhiên, có rất nhiều lựa chọn bảo hiểm dành cho sức khỏe, tính mạng, nhà cửa, phương tiện, du lịch và trách nhiệm cá nhân, cùng một số lựa chọn khác để người dân lựa chọn. Công nghệ bảo hiểm có thể nâng cao phúc lợi của mỗi cá nhân, giúp bảo vệ tài sản người dùng khi họ không phải trả tiền túi cho những vấn đề mà công ty bảo hiểm có thể chi trả.
Để các startup insurtech Đông Nam Á phát triển mạnh, chính quyền khu vực cần thường xuyên cập nhật quy định, thiết lập sáng kiến thân thiện với doanh nghiệp, sớm tích hợp công nghệ đột phá như 5G và áp dụng biện pháp bền vững. Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường, các nhà sáng lập vẫn nên tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để hợp tác và huy động vốn nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Với sự hỗ trợ lý tưởng, doanh nghiệp có thể cung cấp giải pháp quan trọng giúp nâng cao phúc lợi cá nhân cho người dân Đông Nam Á.