TP.HCM: Kinh tế tháng 4 tiếp đà tăng trưởng quý 1
4 tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM tiếp đà tăng trưởng từ quý 1, các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau giai đoạn "nước rút" của cuối năm 2023 và nỗ lực của quý 1, tháng 4 vừa qua kết quả giải ngân đầu tư công của thành phố chùng lại…
Chiều 3/5, UBND TP.HCM đã tổ chức Phiên họp thường kỳ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho tháng 5 năm 2024. Đồng thời xem xét, thông qua các nội dung trình tại Kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố tới đây. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp.
CẦN THÊM NHIỀU CÚ HÍCH
Tại phiên họp, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, trong tháng 4, tiếp theo đà tăng trưởng quý 1, các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ.
Theo bà Mai, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao nhất kể từ năm 2022; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng dần qua từng tháng, đạt 9,5%; tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tăng 7,5%. Ngoài ra, kiều hối về thành phố tăng 35,4% (gần 2,869 tỷ USD).
Bước qua tháng 4, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được kéo dài. Các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Dự báo, thị trường du lịch sẽ trở nên sôi động do nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao trong dịp lễ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2024 ước đạt 93.444 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 366.947 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,48% so với cùng kỳ, trong đó chi nhóm bưu chính viễn thông giảm 4,28%, 10/11 nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 7,76%, giáo dục tăng 7,48%, giao thông tăng 6,33%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,60%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,55%.
Tháng 4/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP trên địa bàn thành phố tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tăng 6,6% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành hóa dược tăng 18,6%; ngành cơ khí tăng 5,4%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 3,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 7,8%.
Dù vậy, đánh giá chung về kinh tế thành phố 4 tháng đầu năm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết kinh tế tiếp đà phục hồi nhưng chưa có cú hích đủ mạnh.
“Sản xuất công nghiệp tăng nhưng nếu tính chung các năm sau dịch Covid-19 thì trung bình hằng năm chỉ tăng 2,4%, trong khi bình quân cả nước là 6%. Các đơn hàng ngành sản xuất công nghiệp quay trở lại nhưng thời gian đơn hàng ngắn, giá không tăng, biên lợi nhuận không tạo được động lực cho doanh nghiệp”, ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm tăng 14% nhưng xét về quy mô thì chỉ tương đương tháng 4/2022. Hiện, sức mua đang thấp nên cần giải pháp kích cầu tiêu dùng hơn nữa.
GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG CHÙNG LẠI
Về đầu tư công, số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho thấy tính đến ngày 26/4, tổng vốn đã giải ngân là 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao. Dù con số giải ngân tuyệt đối bằng 3 lần năm ngoái nhưng so với kế hoạch đề ra vẫn chưa đạt.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, sau giai đoạn "nước rút" của cuối năm 2023 và nỗ lực của quý 1/2024 thì tháng 4 vừa qua, kết quả giải ngân đầu tư công của thành phố chùng lại.
Đồng tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng ỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngưng có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giảm.
Tương tự, chi ngân sách 4 tháng cũng ở mức thấp nhất từ năm 2022 trở lại đây. Trong đó, chi thường xuyên giảm 13,3%, ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 2. Do đó, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng cần có giải pháp để tăng chi thường xuyên từ khu vực nhà nước.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM còn khoảng 70.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công năm nay, có nghĩa là từ nay đến hết năm, mỗi tháng Thành phố phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, ông Mãi đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng - người sẽ trực tiếp phụ trách công tác này - có chỉ đạo hằng tuần, thậm chí là hằng ngày.
“Thành phố đã có chương trình hành động về đầu tư công, đề nghị tất cả mọi người căn cứ chương trình này để triển khai. Đồng thời duy trì hoạt động của các tổ công tác đầu tư công, Ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm để tháo gỡ các vướng mắc”, ông Mãi yêu cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hằng tháng và giám sát theo kế hoạch này.
Ngoài ra, cần hết sức tập trung đối với các dự án chuyển tiếp. Theo ông Mãi, các dự án đã chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 thì 4 tháng đầu năm nay, khối lượng giải ngân rất thấp, thậm chí là có một số dự án đã đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng tới giờ này gần như chưa có khối lượng thi công. Vì vậy, phải đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp để có khối lượng, nhất là các dự án lớn.
Còn đối với các nhà thầu năng lực yếu, ông Mãi cho rằng phải xử lý nghiêm. Đồng thời, thành phố sẽ cắt vốn các dự án không thể tiếp tục được nữa và nhanh chóng thay bằng những dự án đã được chuẩn bị và có đủ điều kiện.
Năm 2024, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là 79.263,776 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.168,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,22 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố, tính đến ngày 26/4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành phố đã giải ngân là 5.969,15 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao.