Triển vọng FDI ngành ô tô Việt Nam năm 2023
Năm 2023 được nhiều chuyên gia dự báo là một năm đầy thử thách đối với nền kinh tế thế giới. Nhưng đối với ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, dư địa tăng trưởng vẫn còn nhiều và là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Thị trường còn khiêm tốn
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Mặt khác, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Trong năm 2022 vừa qua, doanh số ô tô toàn thị trường vượt 600.000 chiếc, cao nhất từ trước đến nay. Những con số trên cho thấy ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam vừa có thách thức, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: “Môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi. Chúng ta có 8 lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như; trong đó phải kể đến: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách rõ ràng, nhất quán, lao động giá rẻ, vị trí địa kinh tế rất tốt”.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2023, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD. Trong đó, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài gây ấn tượng với số vốn đăng ký đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành này đã đạt 660,8 triệu USD. Điều này cho thấy, trong khi một số ngành gặp khó khăn, sụt giảm như bất động sản thì ngành công nghiệp ô tô vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có tác động lớn đến cán cân thương mại của quốc gia.
Còn theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số kỷ lục về hoạt động xuất nhập khẩu từ trước đến nay và Việt Nam tiếp tục nằm trong top 30 quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Đáng lưu ý trong số liệu này là khối doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ trọng rất lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu 506,83 tỷ USD.
Về thị trường cung cấp, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu lượng 173.467 xe nguyên chiếc các loại. Trong đó, Indonesia lần đầu tiên vượt Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam nhiều nhất với 72.671 chiếc, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu linh kiện lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 26% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Để lý giải cho điều này, các dòng xe nổi tiếng như Kia Morning, Hyundai Grand i10 hay Hyundai Accent thực tế vẫn đang bán rất chạy tại Việt Nam nên nhu cầu thay thế phụ tùng luôn ở mức cao. Đa số người dùng sau khi mua xe, hết thời gian bảo hành thường phải quay lại các gara, đại lý, cửa hàng xe hơi để sửa chữa và thay thế linh kiện, phụ tùng. Tính riêng nửa tháng 1/2023, kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô vào Việt Nam đã đạt trên 174 triệu USD.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo suy giảm và tiếp tục khó khăn. Đặc biệt, nếu nhìn nhận sâu hơn vào những thị trường đang có quan hệ thương mại đối tác như Mỹ, EU đều dự báo sẽ suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó, rất khó để dự đoán trước những tác động của xung đột Nga - Ukraine đến nền kinh tế, cụ thể như vấn đề lương thực, nguyên vật liệu đầu vào, trao đổi hàng hóa…
“Hiện cũng đã manh nha xuất hiện những chính sách mới để phản ứng lại với những tác động này. Ví dụ, trong vấn đề thuế, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa tại thị trường EU, bên cạnh đó còn có thuế suất tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư, huy động nguồn lực của Việt Nam cũng như các vấn đề thương mại khác…”, Ông Phan Đức Hiếu cho biết thêm.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam dường như là một ngoại lệ trước tác động của suy thoái kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, đặc biệt là xe điện đang hứa hẹn một năm kinh doanh đầy sáng lạn cho các nhà sản xuất. Thêm vào đó, tình trạng đứt gãy nguồn cung linh kiện cũng đã và đang được cải thiện. Một số nhà sản xuất trong và ngoài nước mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, giúp gia tăng nguồn cung và giá cả hấp dẫn.
Một lý giải khác cho triển vọng FDI ngành ô tô trong nước là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 có thể rơi vào suy thoái, thị trường tài chính bước vào giai đoạn đi ngang (sideway), nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng phân bổ lại tỷ trọng đầu tư sang các thị trường nhỏ và mới nổi để tìm vận may. Những dòng tiền “đánh bắt xa bờ” này rất có thể sẽ dừng chân tại các thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam. Đây là một kịch bản hoàn toàn khả thi bởi Việt Nam đang định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đồng thời, điều này cũng giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc cân nhắc tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Khi FDI vào ngành ô tô chỉ đơn thuần là lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất thì lợi ích thực tế mang lại cho kinh tế đất nước cũng như thu nhập của người dân không nhiều, lợi nhuận chính vẫn chảy ra nước ngoài.
“Đầu tư FDI vào Việt Nam cũng cần phải chọn lọc để làm thế nào chúng ta có thể trở thành công xưởng của thế giới, nhưng không trở thành “vùng đệm” của các nước phát triển, tránh được các xung đột, chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế của các nước lớn”, TS Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị.