Trung Quốc đối mặt với tình trạng dư thừa chip sau khoảng thời gian xuất khẩu đạt đỉnh
Xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc đang tăng trưởng vượt kỳ vọng, tuy nhiên thành công này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa chip…
Nhiều nhà phân tích trong ngành tin rằng lĩnh vực sản xuất chip của Trung Quốc đang dần đạt đến tình trạng dư thừa công suất và nguồn cung sẽ lấn át nhu cầu trong vài tháng tới. Điều đó đồng nghĩa với những dự đoán về cuộc chiến giá cả và tình trạng dư thừa chip do Trung Quốc sản xuất quá nhiều, theo Yahoo Finance.
DigiTimes Asia đưa tin về gần đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về tình hình xuất nhập khẩu chất bán dẫn, cho thấy sự tăng trưởng ở cả hai phân khúc. Chỉ riêng trong tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 30 tỷ USD mạch tích hợp, nâng tổng giá trị chip nhập khẩu từ tháng 1/2024 lên 148 tỷ USD (tương ứng với 213 tỷ đơn vị chip), đánh dấu mức tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái về lượng chip nhập khẩu chip nước này.
Mặt khác, Trung Quốc đã xuất khẩu 25,3 tỷ mạch tích hợp trị giá 12 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc tính từ tháng 1/2024 là 62 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ riêng chip, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện máy tính của Trung Quốc cũng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá sự gia tăng xuất nhập khẩu này là chiến thắng lớn cho ngành công nghệ Trung Quốc. Nhận định này đặc biệt đúng đối với SMIC, hiện là xưởng đúc thuần túy lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn về SMIC, giới chuyên gia nhìn thấy một số lo ngại đáng kể đối với tương lai ngành chip Trung Quốc. Theo báo cáo thu nhập gần đây nhất của SMIC, doanh thu hãng tăng nhưng lợi nhuận lại giảm.
Điều này có thể được giải thích là do chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) tăng khi SMIC tiếp cận một số công nghệ mới. Dầu vậy, nhiều cơ quan truyền thông bên ngoài Trung Quốc xác định nguyên nhân của sự suy giảm là do dư thừa.
ĐUỐI SỨC TRONG CUỘC ĐUA SẢN XUẤT CHIP THẾ HỆ MỚI
Nhìn vào một số nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc, Xuất khẩu chip của Hàn Quốc đạt 11,4 tỷ USD trong tháng 5 vừa qua, đánh dấu mức tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ - đối thủ thương mại chip lớn nhất đối với Trung Quốc, cũng đang phát triển năng lực sản xuất chip, kỳ vọng sẽ sản xuất 30% chip tiên tiến nhất thế giới vào năm 2032.
Xuất khẩu thiết bị sản xuất chip toàn cầu của Nhật Bản tăng 13% so với quý trước, chấm dứt mức tăng trưởng âm sau 5 quý liên tiếp. Trong đó, Trung Quốc chiếm tới 50% tổng giá trị xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn và linh kiện máy móc. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng vọt 82%, đạt 521,2 tỷ yên (khoảng 3,32 tỷ USD), con số cao kỷ lục kể từ năm 2007.
Theo thống kê, tăng trưởng thị trường Trung Quốc khiêm tốn hơn so với những con số và dự đoán thực tế này. Động thái chuyển hướng gần đây của Trung Quốc sang sản xuất chip thế hệ cũ có thể góp phần lớn vào tình trạng dư thừa công suất.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các gã khổng lồ sản xuất chip tiên tiến. Ông Zhang Pingan, Giám đốc Điều hành Huawei Cloud Computing, gần đây đã nhắn đến mối lo ngại này, cho rằng: "Thực tế là chúng tôi không thể đưa vào sử dụng thiết bị sản xuất tiên tiến do các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và chúng tôi cần tìm cách sử dụng hiệu quả chất bán dẫn 7nm".
Sản lượng chip của Trung Quốc phần lớn tập trung vào các thế hệ cũ hơn 7nm, tăng 40% trong quý 1/2024. Trung Quốc đang kiếm tiền từ những con chip mà họ có thể sản xuất an toàn, nhưng chính việc tập trung sản xuất chip cũ sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa trong bối cảnh hầu hết ngành công nghiệp trên thế giới đang khao khát công nghệ tiên tiến.
Lệnh trừng phạt và thuế quan từ Hoa Kỳ ngày càng đe dọa đến hoạt động phát triển và xuất khẩu chip của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố mức thuế 50% đối với chất bán dẫn Trung Quốc và đang xem xét mức thuế 25% dành cho GPU và bo mạch chủ do Trung Quốc sản xuất. Lệnh cấm này có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đối với một số thương hiệu như Asus và MSI, cũng như kim ngạch xuất khẩu nói chung của Trung Quốc.
Cuối cùng, nếu các lệnh trừng phạt và thuế quan Hoa Kỳ tiếp tục tăng, ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ không còn thị trường an toàn để tiêu thụ chip truyền thống, biến nỗi lo tình trạng dư thừa công suất thành hiện thực.