Trung Quốc tiếp tục xét nghiệm Covid-19 trên thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu
Ngày 25/7/2022, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam có thông báo về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ban hành Thông báo số 58/2022 về việc tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa biện pháp phòng chống dịch tại cảng, cửa khẩu đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu vào nước này. Thông báo này thay thế Thông báo số 103/2020...
Nội dung chính của thông báo là Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai việc kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu. Căn cứ kết quả kiểm tra theo quy định sẽ tiến hành kiểm tra và điều tra, xác nhận tình trạng an toàn và hệ thống quản lý an toàn của nước nhập khẩu có phù hợp với yêu cầu của GACC hay không.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho rằng việc triển khai kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu nhằm làm tốt việc ngăn chặn và kiểm soát Covid-19 một cách khoa học và chính xác tại cảng, cửa khẩu nhập khẩu thực phẩm chuỗi lạnh (bao gồm thực phẩm là nông sản), củng cố kết quả phòng chống dịch, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản xuất.
"Đối với doanh nghiệp còn tồn tại, chưa đáp ứng được an toàn với dịch bệnh Covid-19 , sẽ căn cứ quy định pháp luật liên quan đển áp dụng biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hủy đăng ký tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp…"
Theo Thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sau khi tiếp nhận Thông báo số 58/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã có Công văn số 455/SPS-BNNVN gửi đến Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các Hiệp hội: Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Rau quả Việt Nam để nắm rõ và thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm các sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, tính đến thời điểm này, hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam 2.213 mã sản phẩm cho hơn 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm thực phẩm vào thị trường này.
Trung Quốc sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, cần nắm được chính sách dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm thực phẩm.
Trung Quốc được cập nhật 2 năm một lần và các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các quy định liên quan tới dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm thực phẩm. Các đề xuất MRL được thông báo cho WTO trong suốt cả năm, nhưng có thể mất một đến hai năm để các điều khoản dự thảo được thông qua.
Cũng theo văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, trên hệ thống của WTO, Trung Quốc không có thông báo nào thay đổi nào thay đổi biện pháp SPS liên quan đến sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần lưu ý tới 3 quy định của Trung Quốc về Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Quốc gia có liên quan tới: Giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc trừ sâu trong thực phẩm; Xác định 90 thuốc trừ sâu và các chất chuyển hóa hữu cơ tồn dư trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật; Xác định dư lượng Oxine đồng trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật.