Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc toàn cầu, có thể bán dịch vụ sạc EV
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng, vừa công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN. Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.
Công ty V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast.
V-GREEN sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu. Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, với mục tiêu là phát triển hệ sinh thái xanh, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông điện hóa, V-GREEN sẽ có cơ hội thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi, qua đó hỗ trợ VinFast nhanh chóng vươn ra các thị trường quốc tế.
Giai đoạn đầu, V-GREEN sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.
Tại Việt Nam, V-GREEN sẽ chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast, đồng thời sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống. Với việc nâng tổng mức đầu tư cho hạ tầng lên gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu của VinFast, V-GREEN hướng đến mục tiêu phủ trạm sạc trên khắp đất nước và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện.
Sau khoảng 5 năm vận hành, tùy theo từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế, V-GREEN có thể cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ô tô điện cho các hãng xe điện khác ngoài VinFast.
“Thành lập V-GREEN là bước đi mang tính chiến lược của nhà sáng lập VinFast trong việc hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ cho VinFast phát triển bền vững, ổn định trên quy mô toàn cầu. Việc Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẵn sàng dùng tài sản cá nhân thành lập V-GREEN để giảm tải áp lực đầu tư hạ tầng cho VinFast, hỗ trợ tối đa cho hãng xe phát triển đã khẳng định quyết tâm mãnh liệt trong việc thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam và thế giới”, ông Nguyễn Đức Thanh - Tổng giám đốc V-GREEN cho biết.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, VinFast sẽ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines..., khu vực Trung Đông hay gần đây nhất là châu Phi với những thị trường đầu tiên là Nigeria, Ghana... Ngoài Việt Nam, hiện VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) từ năm 2018 đến cuối năm 2022, cả nước hiện có 7.780 xe ô tô điện. Đến giữa năm 2023, con số này đã tăng thêm 12.285 chiếc, trong đó chủ yếu là xe điện VinFast. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou,... đều “rục rịch” ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam cho thấy một bức tranh sôi động của thị trường xe điện trong tương lai.
Hiện tại, chỉ có duy nhất VinFast sở hữu 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước (số liệu từ năm 2021).
Thực tế thì nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam đòi hỏi Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam.
Sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô, mới đây Bộ GTVT đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, trình báo cáo lên Chính phủ.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, Bộ GTVT cho biết, bên cạnh các chính sách ưu đãi chung về thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang tính đặc thù, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, Bộ GTVT kiến nghị 3 loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm: xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời.
Liên quan đến cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.