Vàng nhẫn đem lại mức lợi nhuận 8 triệu đồng/lượng trong 2023, cao hơn vàng miếng
Giá vàng miếng bán ra trong nước sáng nay (2/1) gần như đi ngang so với trước khi nghỉ Tết Dương lịch, giữ chênh lệch hơn 13 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi...
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024, tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng giảm lãi suất trong năm nay. Giá vàng miếng bán ra trong nước sáng nay (2/1) gần như đi ngang so với trước khi nghỉ Tết Dương lịch, giữ chênh lệch hơn 13 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 70,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra).
So với hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không thay đổi ở chiều bán ra. Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng miếng duy trì ở mức 3,5-4 triệu đồng/lượng trong những ngày gần đây, cho thấy sự thận trọng của giới kinh doanh vàng và rủi ro đối với nhà đầu tư nếu mua vàng ở những thời điểm có biến động như vừa qua.
Vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 62 triệu đồng/lượng và 63,2 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71 triệu đồng/lượng và 74 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.067,1 USD/oz, tưang 4,1 USD/oz so với mức chốt phiên cuối năm 2023 tại thị trường Mỹ - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 60,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 24.050 đồng (mua vào) và 24.420 đồng (bán ra), không thay đổi so với trước khi nghỉ lễ.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 13,2 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn đang cao hơn 2,5 triệu đồng/lượng.
Tháng 12 vừa rồi, ở thời điểm lập kỷ lục trên mốc 80 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá quốc tế quy đổi gần 20 triệu đồng/lượng. Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Ngân hàng Nhà nước hôm 28/12 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý để bình ổn thị trường vàng, giá vàng miếng đã giảm mạnh, rút ngắn chênh lệch với giá quốc tế.
Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 13% trong năm ngoái, trong khi giá vàng miếng SJC bán ra tăng 7 triệu đồng/lượng, tương đương tăng khoảng 10,5%. Tuy nhiên, nhà đầu tư mua vàng miếng SJC ở mức 67 triệu đồng/lượng vào cuối năm ngoái và bán ra ở mức 70 triệu đồng/lượng gần đây chỉ lãi 3 triệu đồng/lượng, tương đương lãi khoảng 4,5%.
Đối với vàng nhẫn, mức giá ở thời điểm cuối năm 2022 là khoảng dưới 53 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào và gần 54 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Mức lãi của nhà đầu tư nắm giữ vàng nhẫn 1 năm qua sẽ là khoảng 8 triệu đồng/lượng, tương đương gần 15%.
Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong năm nay.
“Chúng tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, tiếp nối sức tăng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên vào năm ngoái. Giá vàng sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu của các quỹ phòng hộ, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng vật chất, và không kém phần quan trọng là nhu cầu mới từ các nhà đầu tư quỹ giao dịch hoán đổi (ETF)”, chuyên gia Ole Hansen của Saxo Bank nhận định với trang MarketWatch.
Giới đầu tư đã rót 1 tỷ USD vốn ròng vào quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong tháng 11/2023, sau khi liên tục thoái vốn khỏi quỹ này từ đầu năm.
Một báo cáo của ngân hàng Mỹ JP Morgan dự báo một đợt bứt phá mới của giá vàng vào giữa năm nay, với mức giá 2.300 USD/oz có thể được thiết lập nhờ việc cắt giảm lãi suất như dự kiến của Fed.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm thận trọng. “Giá vàng có thể để mất một số thành quả tăng trong năm nay nếu lạm phát trỗi dậy, buộc Fed phải từ bỏ kế hoạch cắt giảm lãi suất”, ông Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity, nhận định.