VCB đột ngột bị ép mạnh, VN-Index thất bại tại mốc 1.130 điểm
Mặc dù khối ngoại chiều nay đã tăng mua khá tốt nhưng nhà đầu tư trong nước lại tăng bán. Đợt xả cuối phiên tạo sức ép lên một số mã trụ lớn, khiến VN-Index rơi trở lại sát tham chiếu chỉ còn tăng đúng 1 điểm về ức 1.129,93 điểm. Dù vậy độ rộng vẫn thể hiện số cổ phiếu tăng giá áp đảo...
Mặc dù khối ngoại chiều nay đã tăng mua khá tốt nhưng nhà đầu tư trong nước lại tăng bán. Đợt xả cuối phiên tạo sức ép lên một số mã trụ lớn, khiến VN-Index rơi trở lại sát tham chiếu chỉ còn tăng đúng 1 điểm về ức 1.129,93 điểm. Dù vậy độ rộng vẫn thể hiện số cổ phiếu tăng giá áp đảo.
VCB là lý do chính khiến VN-Index thất bại tại mốc 1.130 điểm. Chốt đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số vẫn đứng mức 1.132,6 điểm tăng 3,73 điểm so với tham chiếu. VCB khi đó đứng giá 83.300 đồng, tăng 0,6%. Đến đợt ATC lực xả đột ngột tăng mạnh đẩy giá cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này tụt xuống 80.300 đồng, giảm 3,02% so với tham chiếu và giảm tới 3,6% trong một lần khớp.
Chỉ riêng mức giảm của VCB lúc đóng cửa đã khiến VN-Index bốc hơi hơn 3,5 điểm và chỉ số để mất 2,73 điểm riêng đợt ATC dù đã được một số cổ phiếu khác nâng đỡ. VHM, VNM, GAS, FPT cũng bị đánh tụt 1-3 bước giá trong đợt này và giảm so với tham chiếu. Lực bán ở các mã này khá lớn: VCB khớp 223.000 cổ phiếu giá đóng cửa 80.300 đồng chưa kể 586.400 cổ còn dư bán giá này. Chỉ riêng lượng bán giá 80.300 đồng như vậy đã bằng một nửa tổng khớp cả ngày, cho thấy sức ép rất đột ngột. VHM, VNM, GAS, FPT cũng xuất hiện khối lượng giao dịch lớn. Như vậy 5 trong số 10 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu của VN-Index đột ngột thay đổi giá xấu đi trong đợt ATC.
Một diễn biến khá thú vị là mặc dù VN-Index bị ép xuống ở đợt ATC nhưng độ rộng lại thay đổi theo hướng tốt hơn. Cụ thể, thời điểm chốt đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index có 264 mã tăng/195 mã giảm nhưng đóng cửa là 295 mã tăng/190 mã giảm. Sự tương phản này cho thấy đã có hiện tượng ép trụ hơn là một đợt xả thực sự đã diễn ra trên diện rộng.
Mặt bằng giá cổ phiếu thậm chí còn mạnh hơn phiên sáng. Trong 264 mã xanh lúc đóng cửa, có 77 mã tăng trên 1%, con số tương tự phiên sáng là 63 mã. Thanh khoản của nhóm tăng mạnh nhất thị trường này chiếm khoảng 26,1% tổng giá trị khớp của sàn. Loạt mã thu hút dòng tiền mạnh với giá tăng tốt là STB tăng 1,27% với 447,4 tỷ; NVL tăng 2,1% với 423,9 tỷ; VPB tăng 2,13% với 323,9 tỷ; DXG tăng 1,57% với 285,4 tỷ; CII tăng 2,37% với 165 tỷ…
Dòng tiền vào hai sàn chiều nay tăng khoảng 29% so với phiên sáng, đạt 8.078 tỷ đồng. HoSE tăng 32% với 7.447 tỷ đồng. Độ rộng duy trì vẫn áp đảo ở phía tăng cho thấy dù xuất hiện lực chốt lời thì tác động lên giá vẫn không quá mạnh. Chỉ một số cổ phiếu lớn là gây ảnh hưởng tới VN-Index, còn đa số cổ phiếu vẫn có tiến triển giá tốt. Đây là điểm lợi đối với nhà đầu tư vì thực ra chỉ số không đem lại tiền, mà là những cổ phiếu cụ thể.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay đạt 14.351 tỷ đồng, chỉ tăng 2,5% so với hôm qua. Trung bình tuần này giao dịch đạt 13.789 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có tuần mua ròng cổ phiếu trên HoSE lần đầu tiên sau 7 tuần bán ròng liên tiếp. Giá trị mua ròng tuần này khoảng 461 tỷ đồng với cổ phiếu HoSE.
Tính riêng hôm nay khối ngoại mua ròng khoảng 339,5 tỷ đồng, tập trung vào phiên chiều. Cụ thể, tổng giá trị giải ngân thêm đạt 956,4 tỷ và bán ra 619,6 tỷ, tương ứng mua ròng 336,8 tỷ. Phiên sáng khối này mới mua ròng 2,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được mua ròng tốt là HPG +51,9 tỷ, KDH +35,2 tỷ, GEX +35,1 tỷ, HSG +34,3 tỷ, KBC +30,9 tỷ, VCB +29,7 tỷ, STB +28 tỷ, CMG +25,6 tỷ, BCM +25,1 tỷ, VPB +24,9 tỷ và PDR +20,5 tỷ. Phía bán có VNM -60,8 tỷ, GMD -47,9 tỷ, GAS -38,8 tỷ.
Vốn ngoại có tuần mua ròng còn khá nhỏ nhưng là tín hiệu tốt vì rất có khả năng đợt rút vốn mạnh này đã kết thúc cùng với năm tài chính 2023. Nếu dòng vốn này đảo chiều quay lại những ngày đầu năm 2024 thì tình hình càng khả quan hơn. Hiện thị trường sắp bước vào mùa báo cáo tài chính cuối năm 2023 và mạch thông tin hỗ trợ chính cho hiệu ứng tháng Giêng.