VHM kéo mạnh chỉ số, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục thăng hoa
Đang có hiện tượng trái chiều giữa VN30-Index và các chỉ số khác trên sàn HoSE. Nguyên nhân đơn giản là nhóm ngân hàng “sập giá” đang gây ảnh hưởng nặng, trong khi dòng tiền vẫn đang tạo sóng ở nhiều cổ phiếu khác...
Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trở nên rõ ràng hơn khi đa số tiếp tục trượt dốc. VN30-Index giảm 0,28% trong khi VN-Index vẫn tăng 0,35% và các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng tốt.
Trụ VCB vẫn duy trì được mức tăng nhẹ 0,39% là một diễn biến khá quan trọng, vì đà đi lên của cổ phiếu này chỉ xuất hiện những phút cuối phiên. Trước đó VCB giảm chung cùng với cả nhóm cổ phiếu ngân hàng, thậm chí có lúc giảm gần 1% so với tham chiếu.
Giao dịch đáng chú ý nhất trong nhóm ngân hàng là VPB, với lực xả rất rõ. VPB thanh khoản số 1 thị trường, đạt hơn 25,9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.777,7 tỷ đồng giá trị. Giá VPB đang lao dốc 4,37% so với tham chiếu, là phiên giảm rõ nét nhất trong vòng 5 tháng.
Suốt từ đầu tháng 6 đến nay VPB tăng trưởng giá rất ít và chỉ 1 phiên giảm sáng nay, giá đã mất sạch thành quả, thậm chí còn giảm khoảng 2% so với thời điểm cuối tháng 5. Sóng tăng vĩ đại 140% của VPB từ đầu tháng 2/2021 đến đỉnh tuần trước dường như đang chịu sức nặng của chính thanh khoản của cổ phiếu này. Trong 10 phiên đầu tháng 6 tính đến ngày hôm qua, trung bình mỗi phiên VPB giao dịch 48,3 triệu cổ trong khi tháng 5 là thời điểm bùng nổ nhất của VPB về thanh khoản thì cũng chỉ đạt trung bình 34,3 triệu cổ. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, VPB thậm chí chỉ giao dịch gần 5,5 triệu cổ mỗi ngày.
Thanh khoản càng tăng ở vùng giá đỉnh sau khi tăng 140% cũng có nghĩa là một lượng vốn khổng lồ đã gia nhập muộn. Vì vậy nếu VPB điều chỉnh sâu hơn mà không có dòng tiền lớn duy trì hỗ trợ, sức nặng của chính khối lượng này sẽ là vấn đề rủi ro lớn.
Một số cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục tăng giá trong sáng nay, là ACB tăng 0,88%, BAB tăng 0,72%, HDB tăng 2,93%, KLB tăng 3%. Số còn lại giảm: BID giảm 1%, CTG giảm 0,19%, EIB giảm 1,15%, LPB giảm 3,26%, MBB giảm 0,76%, SHB giảm 1,37%, STB giảm 1,14%, TPB giảm 1,1%, VIB giảm 0,97%...
Trái ngược với cổ phiếu ngân hàng, nhóm chứng khoán vẫn thăng hoa, dù đang có sự phân hóa giữa các nhóm. HCM kịch trần, SSI tăng 1,35%, VCI giảm 6,43%, VND tăng 3,68%, FTS tăng 6,36% cho thấy các cổ phiếu đầu ngành, cổ phiếu đang trong xu hướng mạnh vẫn thu hút được lực mua tốt và đẩy giá lên. ORS, PSI, TVB, WSS, IVS, HAC, EVS, ART vẫn đang giảm giá.
Top 15 cổ phiếu thanh khoản nhất hai sàn có mặt 4 cổ phiếu ngân hàng. Đó là SSI khớp lệnh 488,4 tỷ đồng, SHS khớp 413,6 tỷ, HCM khớp 405,4 tỷ, VCI khớp 244,5 tỷ. Tuy cổ phiếu chứng khoán không thể so sánh về thanh khoản với cổ phiếu ngân hàng, nhưng điểm khác là thanh khoản cao ở nhóm chứng khoán đều đẩy được giá tăng mạnh.
Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng vẫn có 154 mã tăng/204 mã tăng. Nhóm VN30 có 12 mã tăng/14 mã giảm và chỉ số rớt nhẹ 0,28%. Midcap có độ rộng không quá chênh lệch,: 37 mã tăng/27 mã giảm nhưng chỉ số đang tăng 1,18%. Smallcap cũng có 61 mã tăng/68 mã giảm, chỉ số tăng 0,29%.
Độ rộng nói trên cho thấy không hẳn là đà tăng giá đang áp đảo, dù các chỉ số vẫn tăng. Dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu/nhóm cổ phiếu cụ thể và hiệu ứng tăng giá là rõ ràng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng không tham gia hỗ trợ thị trường nhưng dòng tiền vẫn đang luân chuyển tốt.
Trong nhóm trụ sáng nay chỉ có VIC và VHM là hoạt động tốt, tăng tương ứng 1,08% và 2,64%. Hai mã này gánh phần lớn điểm cho VN-Index. VHM có phiên sáng lịch sử khi vượt lên đỉnh cao mới. Thanh khoản của VHM cũng khá cao, vượt qua nhiều cổ phiếu ngân hàng, lọt vào Top 10 với 455,3 tỷ đồng khớp lệnh.
Sàn HoSE sáng nay có quy mô khớp lệnh tăng 4,1% so với sáng hôm qua nhưng rổ VN30 khớp giảm hơn 5%. Điều đó có nghĩa là dòng tiền có tín hiệu suy yếu ở blue-chips, mà cụ thể là ngân hàng. Trong khi đó các mã midcap như HCM, KBC, HSG, VCI... có thanh khoản rất khá.
Khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng nhẹ buổi sáng, với hơn 90 tỷ đồng ở sàn HoSE. PLX, DXG, PDR, VHM được mua ròng khá nhất, đều trên 40 tỷ đồng. VNM, VCI, VRE, MSN được rót ròng hơn 20 tỷ đồng. Phía bán có KDC nổi bật với -109,8 tỷ ròng, VPB với -55,8 tỷ, LPB với -36 tỷ đồng.